Mối liên hệ giữa CTCP Gia Lộc Phát và RAL
Giữa năm 2015, dư luận xôn xao trước thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) muốn thoái hơn 2,3 triệu cổ phiếu CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã RAL), tương đương 20% vốn doanh nghiệp này.
Thời điểm đó, đã có không ít đồn đoán bên nhận chuyển nhượng số cổ phiếu nói trên là Công đoàn Rạng Đông – tổ chức lúc đó đang nắm 40% vốn RAL.
Tuy vậy, điều bất ngờ đã xảy ra khi hai cổ đông hiện hữu của RAL là hai chị em ruột - ông Lê Đình Hưng và bà Lê Thị Kim Yến, đã trở thành đối tượng nhận chuyển nhượng cổ phần từ SCIC.
Tính cả số cổ phiếu RAL sẵn có, hai chị em nhà ông Hưng đã nắm 24,5% vốn RAL.
Đi cùng với diễn biến nói trên, bà Lê Thị Kim Yến ngay sau đó đã có một “chân” trong HĐQT RAL, thay thế ông Phạm Văn Chung (người trước đó đã có đơn xin từ nhiệm).
Ông Lê Đình Hưng dù không tham gia quản lý, điều hành RAL cùng chị ruột, nhưng cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Gia Lộc Phát, đối tác “ruột” của RAL.
Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, doanh thu giao dịch và khoản phải thu của RAL liên quan tới Công ty Gia Lộc Phát ngày càng tăng kể từ năm 2014 (tức trước thời điểm hai chị em ông mua 2,3 triệu cổ phần từ SCIC).
Đến năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên 39% doanh thu với giá trị hơn 1.270 tỷ. Điểm đáng chú ý tiếp theo là khoản phải thu đối với công ty này cũng liên tục tăng, năm 2017, khoản phải thu với Gia Lộc Phát đã lên tới 5,51% doanh thu.
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu bán hàng qua Gia Lộc Phát của RAL đạt gần 510 tỷ đồng; Trong khi đó, khoản phải thu với Gia Lộc Phát đạt gần 185 tỷ đồng.
TVSI đánh giá, việc sản lượng bán hàng tập trung quá nhiều vào một nhà phân phối sẽ làm giảm khả năng đàm phán giá của RAL khi thị trường gặp khó khăn.
Ngoài vai trò là một nhà phân phối các sản phẩm bóng đèn của RAL, Gia Lộc Phát cũng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, Gia Lộc Phát cùng CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội là chủ đầu tư dự án 13ha xây dựng nhà ở để bán tại khu vực Ngòi - Cầu Trại, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Được biết, UBND thành phố Hà Nội vào ngày 28/3/2016 đã có Quyết định số 1485/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi - Cầu Trại tỷ lệ 1/500 tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Mộ Lao, quận Hà Đông, trong đó có nêu rõ:
“Liên danh Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty cổ phần Gia Lộc Phát có trách nhiệm triển khai lập dự án đầu tư xây dựng phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi - Cầu Trại tỷ lệ 1/500 kèm theo quyết định này.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các chủ đầu tư dự án ở lân cận trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch”.
Tuy vậy, dự án đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa có tiến triển.
Vốn không phải công ty đại chúng, do đó “sức khỏe” tài chính của Gia Lộc Phát là một ẩn số. Tuy vậy, theo nguồn tin của Nhadautu.vn , doanh thu thuần của Gia Lộc Phát trong năm 2016 đạt đến 1.110 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Song vậy, do giá vốn quá cao lên đến 1.103 tỷ đồng, LNTT Gia Lộc Phát đạt 527 triệu đồng. Trừ đi chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại, Gia Lộc Phát lỗ hơn 17 triệu đồng.
Vốn hóa giảm gần 40 tỷ đồng sau ngày Nhà máy Hạ Đình bị cháy
Kể từ khi “bà hỏa” ghé thăm nhà máy vào ngày 30/8, cổ phiếu RAL đã giảm tổng cộng 4,3% (tính đến phiên 9/9, mã RAL đạt 74.600 đồng/cổ phiếu), tương đương vốn hóa giảm 39,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, thanh khoản của cổ phiếu RAL trong các phiên giao dịch nói trên chỉ dao động ở mức thấp, khác với diễn biến bán tháo ồ ạt ở nhiều mã cổ phiếu từng bị “bà hỏa” ghé thăm.
Giới đầu tư nhận định, diễn biến này có thể do một bộ phận cổ đông tin tưởng triển vọng kinh doanh của RAL, chính sách cổ tức cùng giá trị RAL vẫn được đánh giá cao nhờ mảnh đất vàng 87-89 Hạ Đình (khu nhà máy bị cháy) có vị trí đặc địa.
Một ý kiến khác nhận định, diễn biến cổ phiếu RAL giảm không quá mạnh do cơ cấu cổ đông cô đặc. Cụ thể, cơ cấu cổ đông RAL tính đến ngày 30/6/2019 gồm: Công đoàn công ty (42,96%), bà Lê Thị Kim Yến (15,24%), ông Lê Đình Hưng (9,26%), 2 quỹ Indochina Capital và Chứng khoán Việt Nam giữ 10% cổ phần.
Tính ra, số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường chỉ là 2,645 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 23% cổ phần.
Hiện tại, giới đầu tư đang tỏ ra lo ngại các diễn biến sắp tới của cổ phiếu RAL, nhất là báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường cho biết, lãnh đạo RAL đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn so với viên Amalgam.
Theo Gia Linh (Nhà Đầu Tư)