Ngày 21-9, Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại mua vào 78,9 triệu đồng/lượng, bán ra 80,2 triệu đồng/lượng - tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng nhẫn trơn do công ty này sản xuất ở mức 79,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,55 triệu đồng/lượng bán ra - tăng tới 850.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Đây là mức tăng rất mạnh của giá vàng nhẫn trong những ngày qua. Trong 2 tuần gần đây, mỗi lượng vàng nhẫn tăng gần 2 triệu đồng/lượng, còn so với đầu năm đã tăng tới 17,5 triệu đồng.
Trường hợp nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi 2 tỉ đồng, mua vàng nhẫn hồi đầu năm với giá 63 triệu đồng/lượng (hơn 31,74 lượng), đến nay nếu bán ra với giá 79,5 triệu đồng/lượng thì thu được 2,52 tỉ đồng. Như vậy, khoản đầu tư này đã lãi 520 triệu đồng, tương đương mức sinh lời 26% - khá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác hiện tại.
Trong khi đó, cũng với khoản tiền này, nhà đầu tư mua được 27,39 lượng vàng miếng SJC với giá 73 triệu đồng/lượng hồi đầu năm. Đến nay, khi bán ra với mức giá 80 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư thu về chỉ 2,19 tỉ đồng. Mức sinh lời trong trường hợp này chỉ là 9,5%.
Dù giá vàng tăng mạnh nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư không nên bỏ hết tiền vào vàng, mà chỉ nên mua khoảng 20-30% tổng vốn đầu tư để hạn chế rủi ro.
Với thị trường trong nước, giá vàng tăng mạnh nhưng biên độ chênh lệch giá mua vào – bán ra cũng duy trì ở mức cao, từ 1-2 triệu đồng/lượng, nên không dễ cho việc "lướt sóng" ngắn hạn.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)