Mùa vàng mới trên rẻo cao
Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, anh Thào A Hồ ở bản Mô Cổng (Bình Thuận, Thuận Châu, Sơn La) vẫn đều đặn ra vườn chăm sóc cây chanh leo ngọt. Công việc mỗi ngày khá nhẹ nhàng, anh chỉ làm nửa ngày, còn lại tranh thủ sắm sửa chuẩn bị Tết cho gia đình.
“Năm nay ăn Tết vừa vừa thôi, không mua nhiều đâu vì mùng 4 Tết đã có chợ rồi. Chuẩn bị gần chục con gà chạy bộ, sát Tết ra chợ mua thêm khoảng 2 triệu tiền thịt lợn nữa về làm nhiều món ngon. Gạo nếp cũng có 1 yến để làm bánh chưng, bánh dầy. Làm cho gia đình ăn và mời mọi người đến ăn đầu năm nữa cho vui”, anh nói.
Theo anh Hồ, năm nay bà con trên bản Mô Cổng phấn khởi vì chanh leo vàng được mùa, được giá. Những hộ trồng ít như nhà anh thu được khoảng hơn 100 triệu đồng, nhà trồng nhiều thu được cả nửa tỷ đồng. Thế nên, sau Tết Dương lịch, bà con trên bản lại chuẩn bị gạo thịt ăn Tết Nguyên đán.
Anh kể, trước kia gia đình anh thu nhập rất thấp, trồng 2ha ngô sắn mà kinh tế không khá lên được. Sau đó, anh chuyển sang trồng cây chanh leo tím nhưng giá bán mấy năm nay rất rẻ. Nhà anh có một diện tích nhỏ trồng loại chanh này, năm 2020 chỉ bán được 3.000-4.000 đồng/kg, thậm chí mua cân xô giá chỉ 2.000 đồng/kg.
Cũng may, năm ngoái anh có 0,5ha trồng chanh leo vàng (400 gốc) liên kết với doanh nghiệp kéo lại, dù chỉ thu được hơn 10 tấn quả nhưng bán với giá cao nên giờ có cái Tết ấm no.
“Hồi mới nghe đến chanh leo vàng ngọt tôi không tin đâu vì trước nay trồng chanh leo tím chua lắm. Lúc được cho ăn thử một quả thấy vừa thơm ngon lại ngọt tôi ngạc nhiên. Họ cũng nói bao tiêu toàn bộ sản phẩm nếu mình trồng và chăm sóc đúng quy trình. Tôi gật đầu luôn, cùng họ về bản kêu gọi mọi người tham gia”, anh chia sẻ.
Chanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh nghiệp họ cung cấp giống chuẩn cho mình, phân bón, chế phẩm sinh học cũng của họ. Cán bộ kỹ thuật còn về tận nơi hướng dẫn trồng, chăm sóc, cắt tỉa cành,... tránh sâu bệnh, cho năng suất cao. Cây chanh leo ngọt này trồng mấy tháng thì đậu quả, từ tháng 6 đến tháng 12 cho thu hái liên tục.
Phân giống dùng đều không phải trả tiền, doanh nghiệp cho mình ký sổ, đến lúc cân bán tranh họ trừ tiền dần. Cứ mỗi lần bán họ giữ lại 50% số tiền, mình được cầm số còn lại về, trừ đến khi hết nợ thì thôi. Thế nên, bà con không phải đầu tư quá nhiều vốn.
“Cây chanh này cho lãi nhiều hơn cây ngô, lại không vất vả. Nhà tôi năm ngoái trồng chăm không được tốt mà vẫn lãi lớn”, anh nói. Cũng theo anh Hồ, ở bản này có mấy chục hộ dân tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng cây chanh leo ngọt. Hộ ít như nhà anh trồng 0,5ha, hộ nhiều trồng khoảng 2ha thì thu tới hơn nửa tỷ đồng.
Cũng ở Mô Cổng, anh Sùng A Đỉnh năm nay mới 28 tuổi nhưng đã trở thành triệu phú trên bản làng vùng cao này. Vợ chồng anh có 2ha chanh leo ngọt trồng liên kết với doanh nghiệp. Năm nay, sản lượng chanh thu được khoảng 50 tấn. Với giá bán 26.000 đồng/kg chanh loại 1 và 15.000 đồng chanh loại 2, anh thu khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi nửa tỷ đồng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Thạch Tùng Linh - Giám đốc doanh nghiệp chanh leo ngọt ở Mộc Châu (Sơn La) - cho biết, anh Hồ hay anh Đỉnh là một trong mấy chục hộ dân tham gia trồng chanh leo liên kết với doanh nghiệp của anh ở trên Mô Cổng.
Tại khu vực này, anh bắt đầu liên kết với bà con nông dân trồng chanh leo ngọt từ cuối năm 2019, sang đến năm 2020 thì cho thu hoạch. Diện tích liên kết đến nay là 100ha. Có hộ chỉ trồng 0,5 ha, năm cũng thu được hơn 100 triệu đồng. Còn những hộ nhiều trồng 2-3 ha, thậm chí có hộ trồng tới 5 ha thì cho thu tiền tỷ, trở thành những triệu phú, tỷ phú trên rẻo cao.
Năng suất chanh leo vàng ngọt tương đương với chanh leo tím chua, trung bình đạt 20-25 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt sản lượng lên tới 30 tấn/ha. Trong khi giá bán chanh leo vàng rất cao, đặc biệt là năm 2020 vừa qua.
Quả tươi không đủ bán nhưng chế biến sâu sẽ bền vững
Anh Linh kể, anh biết đến cây chanh leo vàng ngọt này từ năm 2017 khi tham gia dự án với bên Đài Loan. Mới đầu anh liên kết trồng khoảng 5ha để xuất khẩu sang Trung Quốc vì thị trường này cực kỳ ưa chuộng trái chanh leo. Thế nhưng, quả này chưa được xuất chính ngạch, phải đi bằng hàng tiểu ngạch, trong khi diện tích trồng chỉ nhỏ lẻ, sản lượng không đáng kể. Thành ra, khi thu hoạch anh chuyển hướng tiêu thụ trong nước.
Đến khi mở rộng diện tích liên kết ở khu vực Mộc Châu lại gặp trở ngại. Người dân không tuân thủ quy định trồng và chăm sóc công ty đặt ra, lúc có trái chín họ lại cắt đem bán ra ngoài với giá cao. Khi ấy anh vừa mất công mất sức, vừa thiệt hại tiền tỷ.
Sau lần đó, anh sàng lọc các hộ dân tham gia liên kết để mô hình đi vào hoạt động ổn định. Sản lượng chanh tăng lên, anh bắt đầu mở rộng thị trường.
Lúc bấy giờ người tiêu dùng không biết đến quả chanh leo ngọt, ai cũng nghĩ nó rất chua. Do đó, để tiếp cận và thuyết phục họ, anh phải ký gửi chanh tại các cửa hàng trái cây ở Hà Nội, giới thiệu tại các khu du lịch ở Mộc Châu, xin tài trợ làm quà tặng cho các cuộc thi, thậm chí còn cho người đứng bán ở dọc đường. Có ngày, anh còn đem 3 tạ quả đi tặng cho một hội diễn văn nghệ ở Mộc Châu.
Mất khoảng 2-3 tháng như vậy anh mới đưa quả chanh leo đến với người tiêu dùng thành công. Nhiều người đã biết tới quả chanh ngọt này. Từ đó, anh xây dựng được chuỗi cửa hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM. Đặc biệt, anh liên kết với những cửa hàng bán online nên chanh tiêu thụ rất tốt. Quả chanh leo ngọt của anh cũng được đăng ký thương hiệu với cái tên “chanh leo vàng Thái Bảo”.
Giờ hàng vip được đóng hộp đẹp anh bán với giá từ 80.000-110.000 đồng/kg, hàng phổ thông dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg.
Năm 2020, anh liên kết với bà con vùng Mô Cổng ở Mai Sơn, đưa diện tích lên tới hơn 100ha. Thế nhưng, sản lượng chanh vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Có thời điểm mối sỉ phải xếp hàng chờ mua.
Năm nay, anh tiếp tục mở rộng diện tích chanh leo vàng ngọt. Ngoài bán quả tươi, anh sẽ đưa trái vào chế biến thành sản phẩm cô đặc, mứt chanh leo.
“Bà con vùng cao quê tôi bao năm trồng ngô, trồng sắn vẫn đói nghèo. Tôi muốn mở rộng mô hình liên kết để tạo sinh kế mới cho người dân, giúp họ làm giàu một cách bền vừng”, anh nói. Quả chanh leo vàng cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12, nhưng chanh đạt độ ngọt hoàn hảo nhất là khi thu hái vào mùa hè vì có nắng; mùa đông độ ngọt sẽ giảm do trời lạnh, nếu đem bán quả tươi sẽ không đảm bảo chất lượng.
Anh liên hệ với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội để có một mô hình nhà máy chế biến thu nhỏ. Quả chanh đạt chất lượng tốt sẽ bán tươi, còn hàng kém hơn sẽ được đưa vào chế biến. Như thế, quả chanh sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Nếu chỉ trồng bán quả tươi sẽ không bền vững, bởi khi thị trường bão hòa rất dễ rơi vào cảnh được mùa mất giá, bà con lại quanh quẩn bài toán trồng rồi chặt; còn đưa vào chế biến thì thị trường sẽ được mở rộng hơn, sản phẩm làm ra dễ bảo quản. Thế nên, từ năm nay, anh sẽ đưa một lượng chanh leo vào chế biến sâu với hy vọng tạo ra bộ sản phẩm được làm từ loại trái cây bà con vùng cao Sơn La trồng, anh cho hay.
Theo Tâm An (VietNamNet)