Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Chi phí logistics chiếm 25% GDP
Theo TS. Nguyễn Minh Phong đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và cao nhất ở Việt Nam với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16-20%. Các dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước.
Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Theo xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan).
Chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với các nước. Chi phí này ở Singapore là 8%, Mỹ chiếm 9,5% GDP, Nhật Bản là 11% GDP, Hàn Quốc 16%, Thái Lan 19% và Trung Quốc 21,6%.
Theo VCCI, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Nguyên nhân do thời gian kéo dài, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có sự gắn bó đầy đủ.
Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế, doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp, tính hợp tác và liên kết để tạo ra sức cạnh tranh thấp; chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước.
Việt Nam đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài, vì thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới.
Doanh nghiệp logistics Việt Nam yếu thế, manh mún
Các chuyên gia chỉ rõ cộng đồng khoảng 1.300 doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ chiếm 25% thị phần và khoảng 72% lao động (lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%).
Doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng...
Trong khi, đang có 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế.
Theo Viện Momura (Nhật Bản), các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu thị trường logistics trong nước.
Còn theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)