Từ chỗ có doanh thu 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng/năm nhưng do Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển, một doanh nghiệp (DN) tại Thái Nguyên phải nộp khoản chi phí cảng biển hơn 300 triệu đồng/năm, khiến gặp phải nhiều khó khăn, bị đẩy đường cùng.
Theo chia sẻ của ông Tuấn: Mặc dù Chính phủ và một số bộ chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Công Thương ráo riết kiến nghị, sửa đổi các điều kiện gia nhập thị trường, rào cản kinh doanh và giảm thu thuế... tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn đối với tăng trưởng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Ví dụ điển hình của rào cản kinh doanh, chi phí DN là việc Hải Phòng áp đặt thu phí hạ tầng cảng biển vừa rồi. Mặc dù DN, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng dư luận phản đối song với lý lẽ riêng của mình, Hải Phòng vẫn quyết định thu phí hạ tầng đối với các DN vận tải, đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng.
Lý do Hải Phòng đưa ra là lấy phí để bù đắp chi phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nhưng với cách thu riêng của Hải Phòng - nơi có cảng biển lớn nhất miền Bắc rất có thể sẽ "châm ngòi" cho hàng loạt địa phương có cảng biển làm theo.
Ông Tuấn nói: "Chúng tôi vừa nhận được đơn kêu cứu của DN tại Thái Nguyên, họ cho biết với cách tính phí của Hải Phòng như hiện nay, một năm sẽ phải nộp thêm hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hàng nhập về tại cảng Hải Phòng chỉ lưu lại ít thời gian, sau đó được chuyển sang các tàu nhỏ, vận chuyển bằng đường sông".
"Doanh nghiệp này cho biết, với chi phí lớn như trên sẽ ăn mòn lợi nhận và khiến DN không thể chịu đựng được", ông Tuấn nói.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: "Tôi được biết, doanh thu của DN trên mỗi năm là khoảng 800 tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm 30 tỷ đồng. Hiện nay, với 300 triệu đồng của Hải Phòng thu được, nhưng lại khiến DN kêu rất khó khăn, thậm chí đi vào bước đường cùng, buộc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Hải Phòng có lợi ích nhưng đằng sau đó là lợi ích quốc gia, toàn cục".
Nói thêm về chính sách thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, vừa qua việc đề xuất sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều DN cảm giác như phí thuế đang ngày càng nhiều, đặc biệt là người ta nói nhiều về thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tuy nhiên, không chỉ có thuế VAT mà còn một số loại thuế khác sẽ được điều chỉnh. Riêng với VAT, nó sẽ tác động đến nhiều ngành, không chỉ với "mớ rau, con cá" mà còn cả các ngành như đồ uống, bất động sản, ô tô... và tác động đến hiệu quả của các ngành, lĩnh vực.
Không chỉ có VAT mà còn 30 chính sách thuế khác nhau, đơn cử như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh lên đồ uống, có thể tác động đến giảm thu VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp của DN đồ uống, DN sản xuất đường, nông dân trồng mía. Liệu Bộ Tài chính đã cân nhắc toàn cục chưa?
"Tôi lấy ví dụ, chúng ta cứ kêu gọi DN đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh (qua chế biến) nhưng chính cách tính thuế tài nguyên của Việt Nam hiện nay lại khiến thuế đối với các sản phẩm qua chế biến chịu thuế VAT cao hơn so với sản phẩm khai khoáng, xuất bán luôn", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hàng hóa xuất khẩu hiện tính theo giá của Hải quan, nếu DN khai khoáng xuất khẩu sản phẩm qua chế biến, họ phải chịu thuế VAT nhiều từ khâu khai khoáng, sàng tuyển, chế biến sâu. Nhưng một DN khai thác, bán thô lại không phải chịu nhiều thuế VAT các công đoạn, khiến giá thành thấp. Do đó, nhiều DN chỉ muốn xuất thô thay vì "lặn lội" đi chế biến, phải chịu thuế phí cao hơn.
"Đáng lẽ ra, để khuyến khích chế biến, Nhà nước chỉ nên đánh thuế đối với phần khoáng sản khai thác lên thôi, còn tất cả các công sàng tuyển, chế biến thì không nên đánh thuế, tức là phải được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Nhưng nếu thu thuế như vậy thì được ít tiền quá. Vậy đó, chỉ vì vài đồng thuế mà toàn bộ ngành công nghiệp chế biến khoáng sản của Việt Nam khó phát triển được", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)