Chuyên gia WB: Phổ cập tài chính ở Việt Nam rất thấp

25/03/2018 08:58:10

Giáo dục tài chính chưa được đưa vào giáo trình chính quy nên mức độ người dân Việt Nam có năng lực, hiểu biết về tài chính còn rất thấp.

Chia sẻ tại Hội thảo “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính tại Việt Nam” mới đây, ông Alwaleed Alatabani - Chuyên gia trưởng lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Mỹ có các chương trình phổ cập tài chính cho mỗi đối tượng khác nhau. Hay Philippines nhắc nhở người dân thường xuyên về tiết kiệm. Thậm chí, các nhân viên WB cũng phải học, hiểu về phổ cập tài chính thông qua các khoá học của ngân hàng này.

Tuy nhiên, ông Alatabani cho biết: “Giáo dục tài chính chưa được đưa vào chương trình giáo dục chính quy ở Việt Nam. Mức độ phổ cập tài chính ở Việt Nam là rất thấp”.

Chuyên gia WB: Phổ cập tài chính ở Việt Nam rất thấp
Hội thảo “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính tại Việt Nam”. Ảnh: AT.

Theo chuyên gia này, nhiều nước trên thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển năng lực hành vi tài chính và xây dựng chiến lược phổ cập tài chính sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008. Đồng thời, ngân hàng nhà nước các quốc gia cũng đang thực hiện các chiến lược phát triển hành vi tài chính trong dài hạn để nâng cao phúc lợi toàn xã hội.

Năng lực hiểu, phổ cập tài chính quan trọng vì nó giúp phòng ngừa rủi ro cho gia đình, xã hội. Những người không quen, không hiểu khi quản lý tài chính cá nhân thì không sẵn sàng trước những tình huống, cú sốc xảy ra với phúc lợi chung của gia đình.

Đồng quan điểm với chuyên gia WB, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, khoảng 24% người trưởng thành ở Việt Nam hiểu biết về tài chính, tức là gần một phần tư dân số trưởng thành có một chút hiểu biết về những quyết định liên quan đến tài chính.

"Việt Nam có rất ít khoá học về tài chính cá nhân. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và trường học thiếu sự hợp tác hiệu quả", ông Lực nói.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Thanh Vân - Phó chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân Hàng, Đại học kinh tế ĐHQG Hà Nội cho biết: "Nhóm nghiên cứu tài chính cá nhân của chúng tôi đã triển khai một số khoá học tài chính cá nhân cho trẻ em nhưng thấy rằng khó khăn là mình phải nâng nhận thức, làm cho cha mẹ hiểu được việc này rất quan trọng. Sau khi được học, các em học sinh thay đổi rất nhiều về thái độ, nhận thức, hành vi về tài chính".

Bà Vân cũng là đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam. Đơn vị này thành lập từ năm 2015 và đã thiết kế, giảng dạy về tài chính cá nhân cho nhiều học sinh phổ thông, các hộ nghèo...

Đồng thời, bà Vân hy vọng, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ ban hành chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính để có thể triển khai đến tất cả đối tượng một các hiệu quả và đồng nhất giữa các đơn vị liên quan.

Theo bà Đinh Thị Thúy Sen - Phó vụ trưởng Truyền thông SBV, năm nay, đơn vị này sẽ tập trung vào đối tượng đích là phụ nữ, trẻ em, người nghèo... ở Việt Nam. Cùng với đó, SBV cũng hợp tác cùng các ngân hàng thương mại để tổ chức các chương trình giáo dục tài chính như hội thảo, chương trình truyền hình...

Theo Anh Tú (VnExpress.net)

Nổi bật