Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Sự khẳng định của Hoa Kỳ, có lợi cho kinh tế Việt Nam

19/05/2016 14:45:00

Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam vào ngày 23 – 25/5, nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đều đánh giá cao về hiệu quả trong cải thiện mối quan hệ, hướng tới hợp tác sâu, rộng về kinh tế - chính trị.

Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam vào ngày 23 – 25/5, nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đều đánh giá cao về hiệu quả trong cải thiện mối quan hệ, hướng tới hợp tác sâu, rộng về kinh tế - chính trị.

Thưa ông, là nhà kinh tế, đại diện doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về các mối quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây?

Mối quan hệ ấy đã phát triển cao, sâu và rộng. Tôi luôn luôn cho rằng, quan hệ với Hoa Kỳ là một hướng quan hệ quốc tế đem lại cho Việt Nam nhiều đột phá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự khắt khe của những đòi hỏi hợp tác quốc tế về kinh tế cũng như các hợp tác quốc tế toàn diện với Hoa Kỳ đặt cho chính phủ ta một thách thức, đó là phải cải cách thể chế kinh tế.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Tuy nhiên, rõ ràng đối với chúng ta, những đòi hỏi ấy là khó, là những thử thách của chúng ta đối với khái niệm hội nhập nói chung. Do nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế Việt Nam và của xã hội Việt Nam, cải cách cũng là một đòi hỏi. Đòi hỏi cải cách là do sức trưởng thành của nền kinh tế Việt Nam, do sự thúc bách của sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng đồng thời nó là đòi hỏi thỏa mãn các điều kiện để hợp tác quốc tế, trong đó hợp tác quốc tế với Hoa Kỳ là một trong những đòi hỏi hợp tác nhiều thách thức nhất.

Tôi nghĩ rằng, đấy là một bài thi trong việc thực hiện các cải cách thể chế kinh tế, điều này làm cho Chính phủ, Nhà nước, nhân dân chúng ta hiểu được những lý do thực tế nào mà lại nhiều đòi hỏi phải cải cách đến như vậy. Đến giờ có thể nói rằng người Việt Nam đã chủ động nhận thức được rằng những đòi hỏi như vậy là khách quan, là mềm dẻo, những đòi hỏi như vậy có thể mạnh dạn thương lượng giữa chính phủ chúng ta với các chính phủ tham gia vào quá trình này, đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ.

Theo ông, tháp tùng chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ có nhiều doanh nghiệp, thực chất chuyến đi này đem lại lợi ích gì cho Việt Nam?

Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ dường như là một khẳng định của nhà nước Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Sự thừa nhận của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng đều có lợi, bởi vì hầu hết các nhà đầu tư đều đến từ phương Tây, trong một chừng mực nào đó, họ chịu ảnh hưởng của những tiêu chuẩn Hoa Kỳ về kinh tế. Cho nên việc thừa nhận ở mức Tổng thống Hoa Kỳ đối với nền kinh tế Việt Nam mang lại sự hiểu biết Việt Nam, thừa nhận Việt Nam một cách thuận lợi từ các nhà đầu tư phương Tây.

Tổng thống dẫn một hay vài trăm doanh nghiệp để cấu tạo thành đoàn của mình, cái đấy cũng quan trọng nhưng không phải chỉ có thành phần ấy mới quan trọng. Đã có nhiều công ty Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam rồi. Họ đôi khi cũng bế tắc vì không tìm ra các lối thoát phát triển. Việc tìm ra những cơ hội tiêu thụ hàng hóa của các công ty Hoa Kỳ là những sự phát hiện kinh tế có thể thuận lợi ở Việt Nam. Chúng ta cần cải cách kinh tế để tận dụng điều này.

Các công ty Hoa Kỳ mới đến Việt Nam họ phải tìm cơ hội kinh doanh, họ không bao giờ mở ngay cái gì. Có thể, họ xin mở một văn phòng đại diện, họ xin mở một công ty, thậm chí họ mua một công ty nào đó có sẵn và những dự án nghiêm túc có khi hàng năm họ mới bỏ vốn.

Trước đây tôi đã từng làm việc với Intel, 5 năm trước khi họ chính thức vào Việt Nam, họ đã để ý đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi họ tìm hiểu, họ đã chọn Trung Quốc. Chúng ta thua trong một cạnh tranh về nhân lực về cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.

Những người tuyển dụng ở Hoa Kỳ không tìm được nhân công có thể trả lương cao ở ta. Không có nhân công cao nên chúng ta không thể có các dự án khoa học hoặc công nghệ lớn được.

Ông có thể nêu những đặc điểm gì quan trọng nhất, khu biệt nhất để nói về các nhà đầu tư Hoa Kỳ mà Việt Nam cần lưu tâm?

Hoa Kỳ là một quốc gia có một hệ thống chính sách kinh tế, có một hệ thống pháp luật có năng lực bao quát rộng nhất đến tất cả các miền lãnh thổ khác. Thích nghi được, thỏa mãn được các điều kiện của nền luật pháp Hoa Kỳ là một thách thức, nếu qua được chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để hợp tác với các nền kinh tế khác.

Không có cách gì thuyết phục các nhà đầu tư nếu tình thế kinh tế của chúng ta không thuyết phục. Tìm một cách chủ động tác động vào các nhà đầu tư là sai, hãy tìm cách tự cải thiện năng lực nền kinh tế của Việt Nam, tự nâng sức hút của nội lực để tự các DN Hoa Kỳ tìm đến chúng ta. Không cần phải lôi kéo làm gì vì “tất cả các con ruồi đều nhạy cảm với bữa cỗ”.

Là người tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, ông đã từng gặp vị Tổng thống nào chưa, câu chuyện với họ ra sao?

Tôi kể cho bạn nghe một kỷ niệm là khi tôi được tham gia một buổi tiếp tân của cựu Tổng thống George H W Bush (Bush cha) ở hội trường UBND thành phố Hà Nội cách đây 20 năm, thời đấy ông ấy vừa mới thôi làm Tổng thống. Tôi được mời với tư cách là luật sư. Ngày ấy chúng ta mới bước ra khỏi cuộc chiến, nên mọi người xông vào hỏi những câu rất căng thẳng.

Lúc ấy, không khí rất căng, có người tổ chức ra gặp tôi nói họ sợ cuộc gặp gỡ sẽ đổ vỡ và bảo tôi hỏi câu gì để thư giãn một chút. Lúc ấy tôi ngồi cạnh anh Phạm Chuyên là Giám đốc Sở Công An, anh ấy gật đầu và bảo tôi hỏi.

Tôi hỏi ông Bush hai câu là: Tổng thống phải đi qua một chặng đường dài về địa lý và chính trị để gặp cựu thù của mình là Việt Nam, tổng thống đánh giá chúng tôi và các nhà lãnh đạo của chúng tôi như thế nào?

Ông ấy bảo “Tôi đã gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gặp Tổng bí thư Đỗ Mười...cho đến phút này tôi vẫn chưa hết cảm động về thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi phải cảm ơn số phận cho phép tôi có những cuộc gặp gỡ thú vị như vậy”.

Hội trường tự nhiên vỗ tay và tất cả mọi người đều xoay chiều hết. Tôi biết rằng để hỏi một câu cho thư giãn thì người khôn như Tổng thống Mỹ sẽ nói một câu mà tất cả cử tọa Việt Nam sẽ vỗ tay ngay, và đúng như thế, sau đó mọi việc căng thẳng bị dẹp hết. Nó căng thẳng đến mức có một anh người Việt hỏi ông Bush bằng tiếng Anh với giọng chưa sõi, ông Bush đã phải nói “Thưa ngài, ngài làm ơn hỏi bằng tiếng Việt, tôi có người phiên dịch cho ngài, vấn đề không phải là tại tiếng Anh của ngài mà do cái tai của tôi”. Đấy là kinh nghiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)

Nổi bật