CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa ra thông báo cho biết đã mua 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này. Đây là bước đi để hoàn thiện nền tảng tiêu dùng - công nghệ số 1 tại Việt Nam.
Cụ thể, Masan đã bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần, tương ứng định giá Phúc Long là 355 triệu USD. Định giá này tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Điều này có nghĩa lợi nhuận ước tính trong năm 2022 của Phúc Long sẽ là khoảng 500 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Masan đầu tư 15 triệu USD vào Phúc Long để mua 20% cổ phần, tương đương định giá 75 triệu USD. Nhưng với thương vụ mới mua thêm 31% cổ phần lần này, giá trị của Phúc Long đã tăng gần gấp 5 lần.
Masan cũng vừa công bố lợi nhuận hợp nhất năm 2021 đạt hơn 88,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), tăng 14,8% so với năm 2020. Doanh thu thuần của quý IV/2021 đạt 23.828 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Lợi nhuận sau thuế của Masan tăng gần 7 lần lên mức 8,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của mảng kinh doanh cốt lõi tăng gần 3,6 lần lên 4,4 nghìn tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA), Masan đạt con số khổng lồ gần 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,6 lần so với 2020.
Dự báo sơ bộ, trong năm tài chính 2022 doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng 22-36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Cũng như Masan, trong năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp ghi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 955 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Vận tải biển khởi sắc, Hải An (HAH) báo lãi ròng kỷ lục 446 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020. Hoà Phát lãi ròng hơn 34.500 tỷ năm 2021, vượt 92% kế hoạch năm.
Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý IV cao nhất trong lịch sử hoạt động. Trong năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 123.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020 và đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 25% và vượt 3% kế hoạch.
FPT Retail (FRT) trong năm 2021 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần năm 2020.
Đua nhau chốt lời nhưng đà tăng vẫn tiếp diễn
Theo VDSC, động thái chốt lời có thể còn tiếp diễn và gây sức ép điều chỉnh cho thị trường. Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán dự báo thị trường sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và VN-Index vẫn có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền vẫn có thể tiếp tục phân hóa, điểm nổi bật phiên nay đó là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã thu hút dòng tiền quay trở lại, điều này có thể khiến nhóm cổ phiếu bluechip điều chỉnh ngắn hạn. Đồng thời, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy chiến lược phù hợp giai đoạn này là gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.
Theo MBS, thị trường đã tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp và đà tăng có phần chậm lại khi nhóm cổ phiếu đầu cơ hồi phục đã kìm hãm đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, thị trường vẫn được hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu thép và chứng khoán. Thanh khoản đang tăng dần chính là nhân tố hỗ trợ thị trường hướng về mức đỉnh cũ, tuy vậy đà tăng sẽ chậm dần khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang phục hồi mạnh mẽ.
Trong phiên vừa qua 9/2, khối ngoại đã mua ròng trở lại 294 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch 9/2, chỉ số VN-Index tăng 4,39 điểm lên 1.505,38 điểm. HNX-Index tăng 6,3 điểm lên 424,19 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 112,00 điểm. Thanh khoản đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, trong đó HOSE có hơn 25,2 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)