Chứng khoán Việt có thoát cảnh lận đận khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ?

08/11/2024 14:45:22

Dù VN-Index giao dịch buồn tẻ quanh mốc 1.250 điểm, nhưng chứng khoán Việt được kỳ vọng diễn biến tích cực sau khi Mỹ có Tổng thống mới.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 8-11, VN-Index tiếp phiên điều chỉnh về 1.254,73 điểm, giảm 5,02 điểm so với phiên trước; HNX Index giảm 0,68 điểm về 226,81 điểm trong khi Upcom giảm 0,24 điểm còn 92,08 điểm.

Thanh khoản vẫn mất hút khi giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ hơn 5.100 tỉ đồng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 tác động tiêu cực tới VN-Index như: VHM, VPB, BID, ACB, TCB…

Khối ngoại vẫn tiếp đà bán ròng trị giá hơn 600 tỉ đồng trên sàn HOSE. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng khi thị trường chứng khoán chỉ bất ngờ bùng nổ trong 1 phiên khi tăng hơn 15 điểm vào ngày Mỹ có Tổng thống mới là ông Donald Trump rồi tiếp tục trong biên tích lũy đi ngang.

VN-Index tiếp tục giảm bất chấp Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định giảm lãi suất thêm 0,25 điểm % xuống còn 4,5% - 4,75%, phù hợp với kỳ vọng ban đầu của thị trường. Chủ tịch FED, ông Powell, để ngỏ khả năng tạm dừng giảm lãi suất vào tháng 12 tới vì phải cân nhắc dữ liệu kinh tế.

Trong khi đó, nhiều ý kiến xung quanh việc Mỹ có Tổng thống mới là ông Donald Trump sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Số liệu thống kê cho thấy, trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây thì chứng khoán đều tăng điểm và VN-Index cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chỉ có điều, mức tăng cụ thể bao nhiêu thì rất khó đoán được.

Chứng khoán Việt có thoát cảnh lận đận khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ?
Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng sau khi Mỹ có Tổng thống mới

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), cho hay báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy sau các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chỉ số chứng khoán như S&P 500, Dow Jones sẽ chịu tác động, nhưng mang tính dài hạn nhiều hơn. Bởi sau khi có Tổng thống Mỹ mới cần quan sát những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của họ sẽ tác động tới thị trường thế nào.

"Với VN-Index, tác động từ đợt bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có độ trễ nhiều hơn vì việc truyền dẫn chính sách từ Mỹ về Việt Nam sẽ không có tác động ngay lập tức, mà mang tính tâm lý nhiều hơn. Hiện tại, thời kỳ chứng khoán Việt Nam đang biến động rất "khó chịu" khi không tăng, giảm mạnh mà diễn biến đi ngang do nhiều yếu tố" - PGS Huân nói.

Đáng kể nhất theo các chuyên gia là do tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thanh khoản thị trường xu hướng ngày càng giảm và khối ngoại vẫn bán ròng, bất chấp FED đã giảm lãi suất. Các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan chứng kiến dòng tiền có sự đảo chiều, như Indonesia từ đầu năm đã nhận dòng vốn ngoại mua ròng khoảng 3 tỉ USD.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, nhà đầu tư hiện có quá nhiều sự lựa chọn, bên cạnh chứng khoán còn có bất động sản, vàng, lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng lên.

Điều này làm nhà đầu tư mới vẫn đắn đo, đứng ngoài quan sát thị trường. Cần một động lực nào đó, một thông tin nào đó như thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng, hay thị trường giảm mạnh hơn nữa, đủ tính hấp dẫn, để nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Dưới góc nhìn khác, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), lại cho rằng với dữ liệu lịch sử thì 2 năm gần đây đáy của VN-Index là tháng 11.

Trong 2 tháng vừa qua, thị trường trong nhịp điều chỉnh và mở ra cơ hội mua mới. Nếu nhìn VN-Index ở vùng 1.300 điểm, cổ phiếu neo ở mức giá cao và không có đột biến về dòng tiền. Khi mà giá cổ phiếu đã phản ánh hầu hết thông tin tích cực rồi rất khó giao dịch.

"Trong giai đoạn này, sau khi ra kết quả kinh doanh quý III có sự phân hóa lớn, nhóm nào có kết quả kém thì trong xu hướng điều chỉnh, nhóm nào có kết quả kinh doanh 2024 và 2025 kỳ vọng tăng trưởng thì điều chỉnh là cơ hội lựa chọn cổ phiếu tốt.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)