Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc

12/01/2016 07:22:39

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lại có một ngày ảm đạm khi nhiều chỉ số tiếp tục giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lại có một ngày ảm đạm khi nhiều chỉ số tiếp tục giảm mạnh.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013, chỉ số chứng khoán của Hong Kong xuống dưới mốc 20.000 điểm trong phiên giao dịch vào sớm hôm nay, khi các nhà đầu tư bán chứng khoán sau khi biết tin mức lạm phát cuối năm ở mức thấp và cũng do lo ngại về khả năng đợt bán tháo tuần trước vẫn ảnh hưởng tới tâm lý trong tuần này.

Chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tụt mạnh 5,33%, còn Shenzhen Composite rớt đến 6,6%. 

Chứng khoán Trung Quốc lại tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/1 do nhà đầu tư mất niềm tin nghiêm trọng vào tình hình 'sức khỏe' của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. (Ảnh minh họa).


“Thị trường đã trong đà giảm và nó vẫn đang tìm tục rơi xuống đáy mới sau đợt giảm sâu hồi tuần trước”, chuyên gia Zhang Yanbing thuộc Công ty chứng khoán Zheshang (Trung Quốc) cảnh báo. “Kinh tế vẫn đang suy yếu và chẳng có yếu tố nào dẫn dắt thị trường phục hồi”, chuyên gia này nói.

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 10% chỉ trong tuần qua do nhà đầu tư cực kỳ lo lắng trước tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ tiếp tục bị hạ giá.

Trước đó, biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán thế giới. Hàng loạt chỉ số chứng khoán thế giới đã sụt giảm điểm sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đã 2 lần phải ngừng giao dịch theo cơ chế “tự ngắt” vì để mất đến 7% giá trị. Để trấn an giới đầu tư, nhà chức trách Trung Quốc đã cho đình chỉ cơ chế tự ngắt trên vào ngày 7/1. Trong một tuyên bố, Deng Ke, người phát ngôn Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cho biết họ quyết định tạm dừng cơ chế ngừng giao dịch nhằm duy trì thị trường ổn định.

Theo CSRS, cơ chế này hiện gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn là tác động tích cực.

Cơ chế tự ngắt là cơ chế do Uỷ ban điều tiết chứng khoán đề xuất từ tháng 9/2015, được thông qua vào tháng 12/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo cơ chế này, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ bị ngừng trong vòng 15 phút khi chỉ số CSI 300 - chỉ số phản ánh hoạt động của hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, tăng hoặc giảm khoảng 5% trước 14h45. Nếu chỉ số này giảm hơn 7% sau khi hoạt động giao dịch được nối lại, thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa luôn trong ngày.

Cơ chế tự ngắt này được thiết kế để bảo vệ thị trường khỏi các cú sốc như tình trạng khủng hoảng chứng khoán vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, mức trần để kích hoạt cơ chế này được cho là quá thấp, so với mức 7% và 20% của Chỉ số S&P 500 cho thị trường Mỹ, càng tạo tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư.

Theo ông Hao Hong, Giám đốc Bank of Communications, thiết bị ngắt mạch thực sự đã tạo ra một vòng xoáy giảm điểm khi nhà đầu tư nào cũng muốn thoát hàng trước người khác và khiến việc bán tháo trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt khi đa số nhà đầu tư chứng khoán của Trung Quốc là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu “lướt sóng” và dễ bị tác động.

Các nhà phân tích chỉ trích cơ chế này vì cho rằng nó khiến tình hình trầm trọng thêm khi giới đầu tư đổ xô bán thảo cổ phiếu do lo ngại chứng khoán còn giảm sâu.

Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã điều chỉnh các quy định nhằm tăng trị giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Tuy nhiên, những động thái trên của Trung Quốc vẫn chưa đủ để trấn an giới đầu tư do tình hình lạm phát phát yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 1,6% trong tháng 12 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, song mức lạm phát yếu vẫn là một cản trở lớn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
 
>> Chứng khoán Trung Quốc lại ngừng giao dịch khi vừa mở cửa
>> 7 phút điên cuồng của chứng khoán Trung Quốc
 
Theo Tuyết Mai (Đời Sống & Phấp Luật)

Nổi bật