Chưa thoát nợ nần, đại gia Hồ Huy tính làm chuyện lớn

07/06/2018 09:45:34

Đại gia Hồ Huy đã có những bước đi dồn dập để thực hiện một chiến lược được đưa ra từ khi Uber chưa rút khỏi Việt Nam. Kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Mai Linh lớn mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn.

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, CTCP Mai Linh Miền Trung (MNC) chốt danh sách cổ đông vào 29/6 để hủy niêm yết gần 9,3 triệu cổ phiếu trên sàn HNX để sáp nhập vào Tập đoàn Mai Linh - Mai Linh Group (MLG).

Trước đó, Tập đoàn Mai Linh đã thông báo sẽ hợp nhất 3 công ty là MLG, MNC và CTCP Mai Linh Miền Bắc (MLN) thành 1 công ty. Với MNC, tỷ lệ quy đổi được thống nhất là 1:2,5444 (1 cổ phần MNC sẽ chuyển đổi thành 2,544 cổ phần tại công ty hợp nhất), tương đương với số lượng cổ phần phát hành để hoán đổi cho MNC là 12,3 triệu cổ phần của công ty hợp nhất.

Theo Mai Linh, sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ có vốn hơn 1,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, MLG có vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, MLG còn sở hữu cổ phần của hơn chục doanh nghiệp khác cũng chủ yếu hoạt động trong ngành dịch vụ taxi, vận tải hành khách, phụ tùng xe và một doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất thương mại.

Mai Linh Miền Trung (MNC) niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX từ năm 2010 với gái 10.100 đồng/cp. Hiện MNC có giá 4.100 đồng/cp, với thanh khoản rất thấp, chỉ một vài ngàn đơn vị/phiên. 

Chưa thoát nợ nần, đại gia Hồ Huy tính làm chuyện lớn

Cổ phiếu MNC đang thuộc diện bị cảnh báo (từ 10/4) do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2017 âm. Hoạt động kinh doanh của MNC xấu đi sau khi bị cạnh tranh mạnh bởi các hãng xe công nghệ như Uber, Grab.

Trong vài năm gần đây, Tập đoàn Mai Linh của ông Hồ Huy gặp rất nhiều khó khăn vì những khoản nợ lớn, bao gồm cả nợ thuế và bảo hiểm xã hội. Ông Hồ Huy gần đây xin khoanh nợ, giãn nợ nhưng khó có thể được chấp nhận.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi chậm chạp đã khiến doanh thu của Mai Linh giảm và không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.

Cho tới cuối tháng 10/2017, Mai Linh nợ đọng các nghĩa vụ thuế, bảo hiểm 150 tỷ đồng và lãi chậm nộp khoảng 80 tỷ đồng. Mai Linh của ông Hồ Huy kiến nghị được miễn lãi phát sinh và được thực hiện trả gốc trong 20 năm.

Mai Linh của ông Hồ Huy cho biết số nợ nói trên là nợ cũ của các công ty con đã dừng hoạt động, nhưng tập đoàn phải trả thay. Số nợ này là gốc và lãi phát sinh từ năm 2012 về nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.

Gần đây, Mai Linh của ông Hồ Huy có rất nhiều thay đổi để cạnh tranh với Uber, Grab như: cung cấp dịch vụ taxi công nghệ, xe ôm công nghệ và hiện đã có cả vạn lái xe. Đích thân ông Hồ Huy cũng đã đi SH đi xem ôm để hiểu và cổ vũ nhân viên. Mai Linh cũng lên kế hoách sáp nhập Mai Linh 3 miền để tăng sức cạnh tranh… Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như chưa đủ.

Cú sáp nhập sắp tới sẽ giúp ông Hồ Huy gom các công ty về một mối, thành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ con người cho tới công nghệ, chứ không chỉ quy mô và vốn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và lên vùng 1.030 điểm nhờ sự bứt phá của nhiều cổ phiếu lớn, trong đó có bộ đôi Vingroup và Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng đóng góp vào sự bứt phá của thị trường.

Vietcombank, Vietinbank, BIDV và ACB… đều tăng mạnh.

Riêng Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh tiếp tục lao dốc sau khi chào sàn ở mức cao: 128.000 đồng/cp. Sau 3 phiên giảm liên tục, TCB hiện có giá chỉ còn 92.000 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bứt phá ấn tượng với VNDirect tăng trần, HCM tăng 4%, SSI tăng 1,2%. SSI vừa được Forbes Việt Nam là công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm thứ 5 liên tiếp.

Danh sách của Forbes Việt Nam cho thấy sự bứt phá của nhiều công ty lớn, đặc biệt là dấu ấn của Khối kinh tế tư nhân. Theo Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách năm nay chiếm tới 70,8% giá trị vốn hóa hai sàn HOSE và HNX.

Khối ngoại, trong khi đó, tiếp tục bán ròng. Tuy nhiên lượng bán ròng không lớn. Khối ngoại tập trung bán ròng Vingroup, Masan, Hòa Phát, HDBank…

Một số CTCK lo ngại áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện bởi thanh khoản vẫn khá yếu.

Kết thúc phiên giao dịch 6/6, VN-index tăng 11,76 điểm lên 1.034,76 điểm; HNX-Index tăng 2314 điểm lên 120,42 điểm. Upcom-Index tăng 0,18 điểm lên 53,78 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,8 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)

Nổi bật