Cuối tháng 11, Mai Linh ra mắt xe ôm công nghệ để cạnh tranh với Uber, Grab. Sự ra đời của xe ôm công nghệ Mai Linh khiến nhiều người hoài nghi về cơ hội thành công. Thậm chí có ý kiến cho rằng Mai Linh đang ngày càng thất bại trong mảng taxi nên chuyển sang làm xe ôm.
Trả lời chúng tôi, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mai Linh, nói rằng việc làm xe ôm công nghệ được hãng chuẩn bị trong 2 năm. Điều này thể hiện doanh nghiệp Việt không hề chịu thua trên sân nhà, cũng không phải đi sau, làm theo.
Đã có gần 10.000 tài xế đăng ký làm đối tác
- Nhiều người cho rằng Mai Linh đang ngày càng bị bỏ xa trong cuộc chạy đua với taxi công nghệ nên chuyển sang làm xe ôm, theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”?
- Chúng tôi đã chuẩn bị trong khoảng thời gian 2 năm. Và bây giờ, Mai Linh bike đã và đang hoàn thiện cả về quy trình vận hành, công nghệ. Vì như các bạn biết, công nghệ liên tục cần phải cập nhật.
Trong thời hội nhập 4.0, Mai Linh buộc phải thay đổi. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ và kết hợp với một số đối tác đến từ Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, nên đã và đang dần vượt qua khó khăn.
Cũng nhờ đi sau nên Mai Linh Bike học được kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, hạn chế những vấn đề xấu có thể xảy ra.
Ưu thế sẵn có của chúng tôi là kinh nghiệm 25 năm trong ngành vận tải taxi, chúng tôi không thua kém bất cứ hãng xe công nghệ nào.
- Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chắc chắn Mai Linh cần phải tăng độ phủ của tài xế?
- Qua gần hai tuần triển khai, số lượng đối tác đăng ký đã lên tới gần 10.000 người. Số đăng ký vẫn đang tăng lên mỗi ngày. Lượng khách hàng biết đến Mai Linh Bike ngày càng nhiều hơn.
Phá vỡ thế “một mình một chợ”
- Người ta cho rằng Mai Linh ra mắt xe ôm công nghệ vào thời điểm này là quá muộn so với các đối thủ?
- Như chúng ta biết, gần đây thị trường xe ôm công nghệ đều do các thương hiệu nước ngoài đưa vào Việt Nam và họ giữ thế “một mình một chợ”. Việc Mai Linh cho ra đời Mai Linh Bike sẽ làm phá vỡ thế độc tôn này.
Chúng tôi mong muốn tạo nên một thương hiệu xe ôm công nghệ mang thương hiệu của Việt Nam, phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam. Từ đó góp phần ổn định thị trường xe ôm công nghệ tại Việt Nam.
Mai Linh cũng mong muốn tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi. Đồng thời, góp phần nhỏ cùng với cơ quan Nhà nước đảm bảo, an toàn giao thông, an ninh trật tự trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng phương tiện xe máy.
Tôi muốn khẳng định không có lý gì để doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà. Dù khó đến mấy cũng phải làm được.
25 năm gây dựng Mai Linh đầy những thăng trầm nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.
- Đâu là điều mà Mai Linh cảm thấy tự tin trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này?
- Về thế mạnh, chúng tôi có văn phòng ở hầu hết tỉnh, thành phố nên đối tác có thể coi đây chính là “nhà” mình. Khi đi trên đường, cần nước uống hay chỗ vệ sinh, đối tác có thể vào bất cứ văn phòng nào.
Chúng tôi có các điểm tiếp thị xe taxi ở khắp nơi, từ bến xe, bệnh viện, các trung tâm thương mại… Đối tác hoàn toàn yên tâm khi đến đón khách tại các điểm tiếp thị của Mai Linh, mà không lo sự cạnh tranh hay gây hiềm khích từ xe ôm truyền thống.
Cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm
- Nhiều người cho rằng ứng dụng xe ôm của ông còn thô sơ và chưa thể so sánh được với UberMoto và GrabBike. Ông bình luận gì về điều này?
- Việc này xin để khách hàng đánh giá. Chúng tôi có tinh thần cầu thị, sẽ luôn lắng nghe, học tập và không ngừng hoàn thiện mỗi ngày, để đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt.
Với ứng dụng Mai Linh online, khách hàng vừa có thể gọi xe taxi trên 54 tỉnh thành cả nước, vừa có thể đặt xe ôm. Từ 1/12, Mai Linh cũng chính thức sử dụng một số tổng đài chung trên toàn quốc. Khách hàng cần đặt xe, hay có bất cứ phản ánh gì, chỉ cần gọi tổng đài.
Đây cũng chính là bước đột phá của Mai Linh trong việc áp dụng công nghệ.
- Chính sách chiết khấu với đối tác cũng như giá cước của Mai Linh không khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Ông làm thế nào để thu hút đối tác cũng như khách hàng?
- Chúng tôi chỉ thu phí 15% thay vì 20-25% như các hãng xe công nghệ khác. Đối tác Mai Linh Bike sẽ được hưởng 85%. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng chính sách này về lâu về dài.
Ngoài nguồn cán bộ công nhân viên sẵn có (gần 30.000 người trong toàn hệ thống Mai Linh), chúng tôi sẽ thu hút nguồn nhân lực nhàn rỗi trong xã hội như nhân viên văn phòng sau giờ làm, lực lượng sinh viên làm thêm… Tôi khẳng định Mai Linh tự tin dấn bước.
Về giá, chúng tôi mang đến khách hàng mức cạnh tranh ngang bằng và thấp hơn các hãng xe công nghệ khác. Nhưng khác biệt nhất là tôi cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Chúng tôi cũng xây dựng phong cách phục vụ chu đáo và việc tổ chức tốt đội ngũ quản lý, điều hành theo tổ, đội, nhóm. Đây chính là giải pháp mà từ trước đến nay Mai Linh vẫn đang thực hiện.
Còn quá sớm để nói đến khả năng thành công
- Nhiều người tò mò tại sao Mai Linh không có nhiều chương trình khuyến mại, thưởng hấp dẫn như Uber, Grab. Liệu Mai Linh có “hụt hơi” về tài chính trong cạnh tranh, thu hút cả tài xế cũng như khách hàng?
- Nói về bất lợi, có thể thấy thị phần khách hàng cũng như đối tác tham gia vào Mai Linh Bike sẽ ít hơn so với những doanh nghiệp khác. Hiện nay trên thị trường, các hãng xe công nghệ khác đã hoạt động khá lâu nên lượng khách hàng và đối tác chắc chắn hơn Mai Linh bike.
Một điểm khác đó là các doanh nghiệp này chấp nhận “lỗ vốn” rất nhiều để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Họ đưa ra nhiều chương trình ưu đãi thu hút khách hàng.
Kinh nghiệm còn non trẻ về lĩnh vực xe ôm công nghê, nhưng Mai Linh không ngồi yên chờ chết. Bản thân tôi chưa nói tới, bởi phía sau tôi còn gần 30.000 cán bộ công nhân viên. Mỗi người đang gánh trên mình cả gia đình, nên Mai Linh không thể buông xuôi như vậy.
Vì thế, Mai Linh đã quyết tâm hành động.
Vẫn còn quá sớm để nói đến khả năng thành công của dịch vụ này, nhưng chúng tôi đang học theo câu nói của nhà thơ Quang Đoàn: "Coi hành khách như thượng đế, lái xe như Ngọc Hoàng" để đưa Mai Linh vượt qua khó khăn này.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)