Chưa đến 30 km có một trạm thu phí Bình Phước vẫn muốn thêm BOT

23/04/2018 10:39:39

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, đến cuối năm 2017, tỉnh đã kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng 5 công trình BOT đường bộ. Năm công trình BOT đã được kêu gọi đầu tư tại Bình Phước tuy chỉ có tổng cộng chiều dài hơn 168 km cầu, đường, song đã có đến 7 trạm thu phí. Theo quy định thì 70 km mới có 1 trạm BOT.

150 km có 5 trạm thu phí

Từ TP.HCM đi xuống các tỉnh Tây Nguyên qua quốc lộ 14, địa phận thuộc tỉnh Bình Phước, các phương tiện phải đi qua 6 trạm thu phí tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Cụ thể, hành trình từ TP.HCM đi huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, với quãng đường 150 km, nhà xe sẽ phải qua 5 trạm thu phí, bình quân chỉ 30 km một trạm.

Chưa đến 30 km có một trạm thu phí Bình Phước vẫn muốn thêm BOT
Ảnh minh họa trên internet

Theo kinh nghiệm của các nhà xe, chuyên chạy tuyến đường này thì, vẫn có “cung đường” để “né phí”. Họ sẽ từ TP.HCM đi Bù Đăng, theo hướng Chơn Thành. Đi hướng này, họ chỉ “né” được 1 trạm phí. Nhưng, đó là cách để các tài xế có thêm tiền công cộng vào tiền thù lao được chủ nhà xe trả/ngày.

Anh Huỳnh Văn Hải, lái xe của một nhà xe ở Bến xe Miền Đông, TP.HCM, chuyên chạy tuyến Miền Đông, Tây Nguyên, đi qua quốc lộ 13 và 14 nói rằng, từ đầu tỉnh Đắk Nông đến bến xe Miền Đông (TP.Hồ Chí Minh) dài khoảng 330 km nhưng có tới 7 trạm thu phí, trung bình hơn 40 km đặt một trạm, thậm chí một số trạm chỉ có khoảng cách chưa đầy 20 km. Ngoài Bù Đăng, nhiều tuyến đường đi về các huyện khác của Bình Phước như từ TP.Hồ Chí Minh đi Phước Bình, Phước Long, Bù Gia Mập,... các nhà xe cũng gặp trạm thu phí dày đặc.

Anh Hải thông tin thêm, vì nhiều trạm phí, dù nhà xe có mua vé tháng nhưng phải nói là không thể hết được. Có những trạm vẫn mua vé ngày. Thế nên, anh Hải cùng nhiều tài xế khác, nhất là tài xế cho xe dù thường tìm cách “né” trạm thu phí để có thêm vài chục ngàn đồng cho vào khoản thu hàng ngày, đem về đưa vợ nuôi con.

32,3 km đường giao thông có 2 trạm thu phí

Theo Nhandan.com.vn thì từ TP.HCM đi đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước, chỉ có con đường thuận tiện nhất là quốc lộ 13. Khi lưu thông trên tuyến đường này, các phương tiện đều phải đi qua các trạm thu phí BOT như: Lái Thiêu, Suối Giữa (tỉnh Bình Dương), Tân Khai (Hớn Quản, Bình Phước). Với một đoạn tuyến đang tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT tại Bình Long, tỉnh Bình Phước, tuyến quốc lộ 13 sẽ tiếp tục phải “nai lưng” gánh thêm một trạm BOT nữa. Có nghĩa là phải đóng phí 3 trạm và tương lai gần là 1 trạm nữa.

Xét khoảng cách từ trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đi TP.Hồ Chí Minh dài 360 km, “cõng” tới 8 trạm thu phí, bình quân mỗi trạm chỉ cách nhau 45 km.

Chưa đến 30 km có một trạm thu phí Bình Phước vẫn muốn thêm BOT - 1
Ảnh minh họa trên internet.

Cũng theo Nhandan.com.vn thì, trên địa bàn Bình Phước, cứ hơn 24 km lại có một trạm BOT. Thậm chí, có trường hợp chỉ đầu tư theo hình thức BOT cho 32,3 km đường, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận đặt 2 trạm thu phí.

Tiếp tục thực hiện dự án BOT

Theo tìm hiểu của PV, gần đây, UBND tỉnh Bình Phước lại tiếp tục phê duyệt và cho khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương trên địa bàn huyện Đồng Phú theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.480 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến đường là hơn 41km.

Tuyến đường này trong thiết kế có điểm đầu giao nhau quốc lộ 14 tại Km 946, thuộc địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, điểm cuối gần mỏ đá Tân Lập, ranh giới giữa hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Vấn đề đặt ra là có cần phải cho phép nhiều dự án BOT thực hiện như thế ở Bình Phước không? Và, việc thực hiện này thì người dân có lợi ở đâu? Thu vào ngân sách như thế nào? Doanh nghiệp có nộp thuế cho nhà nước hay không?

Bởi qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Bình Phước là tỉnh nghèo trong khu vực. Kinh tế không có gì nổi trội; đời sống người dân ở mức trung bình, thế nên, phải gánh nhiều phí BOT như vậy xem ra “quá tải”. Hơn nữa, điều mà chúng tôi băn khoăn nhất là, vì sao các dự án BOT dày đặc như thế, không tuân thủ quy định 70km/trạm nhưng tỉnh Bình Phước vẫn tiếp tục chấp nhận cho doanh nghiệp đầu tư để lập trạm thu phí, liệu có vi phạm không? Điều này, có lẽ cần phải sự vào cuộc của cơ quan chức năng trung ương.

Theo giải thích của đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước thì, mục tiêu đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương theo phương án được phê duyệt nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, bảo đảm nhu cầu giao thông vận tải cho Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú, tạo điều kiện kết nối hạ tầng không gian phát triển kinh tế của các địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Giải thích này xem ra không phù hợp với thực tế cạnh tranh. Bởi, doanh nghiệp đi qua khu vực này phải chịu quá nhiều tiền phí đường, chính vì thế, làm giảm tính cạnh tranh của vận tải, của doanh nghiệp và của hàng hóa.

Tuyến đường mới được duyệt thực hiện song song với quốc lộ 14 đoạn từ Cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT.

50 km sẽ có 3 trạm thu phí nếu Bình Dương tiếp tục cho BOT thực hiện

Theo Nhandan.com.vn, dự án BOT Cầu 38 - Đồng Xoài do UBND tỉnh Bình Phước ký hợp đồng số 261/HĐ.BOT-BINHPHUOC từ tháng 8/2009 để thực hiện, sau đó được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ UBND tỉnh Bình Phước về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý. Công trình này đã đưa vào khai thác và tổ chức thu phí ổn định từ giữa tháng 5/2015 đến nay.

Cuối tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ và nhà đầu tư nghiên cứu phương án xử lý trạm thu phí dự án BOT Cầu 38 - Đồng Xoài.

Chưa đến 30 km có một trạm thu phí Bình Phước vẫn muốn thêm BOT - 2
Ảnh minh họa

Bộ GTVT nhận định, UBND tỉnh Bình Phước trong quá trình duyệt dự án chưa thỏa thuận với Bộ GTVT việc đấu nối với quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Bình Phước và chưa đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng đến trạm thu phí của dự án BOT đoạn từ cầu 38 đến TP.Đồng Xoài. Do đó, khi tuyến đường BOT Đồng Phú - Bình Dương hoàn thành xây dựng, lưu lượng xe qua trạm thu phí trên quốc lộ 14 (tại Km 957+400) dự kiến có thể giảm đến 70 - 80% vào năm 2020.

Phương án được đưa ra là di dời trạm thu phí nêu trên đến vị trí mới ở Km 942+600 đã gặp phải khó khăn do UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt phương án đặt hai trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT Đồng Phú - Bình Dương chỉ cách nhau hơn 40 km và cách khoảng 8 km so với vị trí điểm đấu nối giữa tuyến Đồng Phú - Bình Dương với quốc lộ 14. Đồng thời, với vị trí đặt trạm mới tại Km 942+600 trên quốc lộ 14, phương tiện ôtô đi qua đây vào đường Đồng Phú - Bình Dương dài chưa đến 50 km phải đi qua 3 trạm BOT.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Phước cần thận trọng nghiên cứu, xem xét tác động toàn diện của dự án BOT mới, nhằm bảo đảm quyền lợi giữa các bên và phía ngân hàng, đồng thời tránh gây những hệ lụy không cần thiết về sau.

Quốc lộ 13 và 14 là hai tuyến đường huyết mạch quan trọng từ TP.Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía nam và Tây Nguyên. Hiện tại, ở hai tuyến đường này, mật độ trạm thu phí BOT đã dày đặc, nhưng một số địa phương vẫn muốn kêu gọi đầu tư BOT một số tuyến đường mới là nguy cơ gây áp lực về gánh nặng phí đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo T. H (Thời Đại)

Nổi bật