Có rất nhiều sự kiện của đất nước diễn ra trong những ngày qua như chỉ dấu một kết thúc khả quan cho năm 2017. Lần đầu tiên trong lịch sử, chiến dịch chống tham nhũng sẽ đưa ra toà một vị cựu uỷ viên Bộ Chính trị. Cùng với đó là những quyết định kỷ luật, cách chức một số quan chức cấp cao khác.
Số liệu chính thức ghi nhận sự tăng trưởng vượt chỉ tiêu của nền kinh tế Việt Nam và chỉ số lạm phát được khống chế.
Năm 2017 cũng là năm đất nước tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC, một sự kiện thực sự đã đem lại các tín hiệu khả quan cho nền kinh tế và thương mại Việt Nam.
Sau năm 2016 với không ít biến cố, năm nay có thể được xem là một năm bản lề để mở ra những triển vọng mới cho đất nước.
Thế nhưng, những thành công của 2017 có lẽ hơn bao giờ hết cần được xem như động lực để tiếp tục nỗ lực, chứ không phải thành tựu sau cùng. Nợ công của đất nước vẫn ở mức cao, và tăng nhanh so với thế giới, thậm chí so với các quốc gia thuộc cộng đồng ASEAN. Đây chính là mối đe dọa chính cho sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc bổ nhiệm, nâng đỡ cán bộ “không trong sáng”, mang tính lợi ích nhóm, gia đình, cá nhân được phanh phui chứng tỏ vấn đề vẫn đang tồn tại trong hệ thống chính trị. Một số vụ việc liên quan đến tài sản bất chính của cán bộ chưa được xử lý triệt để.
Năm 2017 cũng là năm chứng kiến những vụ việc mà sự bức xúc của người dân ở một số lĩnh vực, địa phương bùng phát. Điển hình có lẽ là “biến cố Đồng Tâm” vào tháng 4/2017 và căng thẳng giữa giới tài xế trên Quốc lộ 1A với các trạm BOT.
Một con số khác cũng đáng lo ngại là 3 tỷ đô-la Mỹ hàng năm được người Việt gửi sang Hoa Kỳ để mua nhà như một dạng bảo hiểm cho bất trắc trong nước.
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, những tồn tại, “nốt trầm” đó là điều chúng ta phải thẳng thắn đối mặt để giải quyết.
Tôi là một luật sư trẻ ở TPHCM, công việc ít khi phải đụng chạm các vấn đề vĩ mô, to lớn của đất nước. Tuy nhiên, nhờ tiếp xúc với các thân chủ, các nhóm cộng đồng hàng ngày, cộng với may mắn được đi đến nhiều quốc gia, tôi đã vun vén những ý tưởng về cách thức quản trị một quốc gia, một xã hội thế nào là tốt.
Cũng nhờ đó, tôi thấy rõ mong mỏi được là một phần trong tiến trình phát triển đất nước của người dân. Dù đó là một Việt kiều ở châu Âu, hay một nông dân ở Thái Bình, hay một người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên… đều có một điểm chung: họ đều gọi đất nước này là quê hương. Mà đã là quê hương thì ai không muốn nó tươi đẹp, phát triển? Năm 2016 và nhiều năm trước, đã có không ít biến cố, nguyên nhân làm xói mòn lòng tin của người dân. Nhưng điều kì lạ là đa số những người tôi tiếp xúc nói rằng việc đất nước gặp khó khăn không khiến họ mất lòng tin bằng việc cảm thấy tiếng nói của mình không được lắng nghe đúng mức.
Trong nghề luật của tôi có một khái niệm là “tiếp cận công lý”. Nó bao gồm nhiều phần, nhiều lớp, và nhiều bên tham gia để sao cho người dân được tiếp cận gần nhất với công lý với những vụ việc mà họ tham gia. Tuy nhiên, điều khái niệm này nhấn mạnh nhất chính là người dân sẽ cảm thấy công bằng nhất khi được tham gia vào quy trình thiết lập công lý, khi tiếng nói của họ được lắng nghe.
Kinh nghiệm của bản thân tôi cũng cho thấy rằng rất nhiều lúc, thân chủ của tôi khi được đối xử một cách công bằng, khi họ tin rằng hệ thống trong sạch, khách quan, và khi tiếng nói của họ được lắng nghe, thì kết quả của vụ việc có ra sao đi nữa cũng dễ dàng được chấp nhận hơn và đồng thuận từ đó được thiết lập.
Nhìn rộng ra với một quốc gia, điều này có lẽ cũng có thể được áp dụng tương tự. Suy cho cùng, hai vụ việc ở Đồng Tâm và BOT Cai Lậy cũng xuất phát từ chỗ những người dân trong cuộc đã cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe đúng mực và tình cảnh họ đang đối mặt là một sự áp đặt từ bên ngoài vào. Khi các biện pháp đối thoại không còn được người dân tin tưởng, họ đã lựa chọn các biện pháp khác cứng rắn hơn.
Nhưng nếu nhìn vào cách mà khủng hoảng Đồng Tâm và Cai Lậy được “tháo ngòi”, chúng ta sẽ thấy giải pháp cho vấn đề thực ra rất căn bản. Khi vị chủ tịch thành phố xuống đối thoại với người dân, đưa ra lời hứa chính trị sẽ giải quyết thoả đáng, công bằng, họ đã tạm yên lòng. Một chỉ đạo của Thủ tướng giữa lúc nước sôi lửa bỏng đã giúp các tài xế trên Quốc lộ 1A cũng như người dân phấn khởi. Đó là khi người dân cảm thấy tiếng nói của mình được lắng nghe.
Những thách thức sắp tới của năm 2018 có lẽ sẽ không thể được giải quyết ngay lập tức chỉ bằng cách lắng nghe người dân. Nhưng tôi tin một điều rằng, bất kỳ ai nhận lãnh vị trí lãnh đạo cũng phải tâm niệm mình phục vụ cho lợi ích của nhân dân, chứ không phải của bản thân, và vì thế lắng nghe người dân là một nghĩa vụ chứ không phải một lựa chọn. Phải làm sao cho những tiếng nói, tâm tư của người dân được khơi mở, vang vọng, bởi nếu không nó rất có thể trở thành những nỗi bất mãn, cơn sóng ngầm tích tụ lâu ngày mà khi bùng phát sẽ gây bất ổn.
Vì những lẽ đó, một nhiệm vụ trọng yếu của năm 2018 trên nền tảng của năm 2017 phải chăng chính là việc mở rộng hơn nữa dân chủ và trân trọng sự giám sát, kiến tạo của người dân? Công cuộc chống tham nhũng sẽ vẫn phải tiếp tục, với người dân dần trở thành lực lượng nòng cốt như tinh thần của Dự thảo Luật Phòng, chống Tham nhũng đề ra.
Năm 2018 cũng sẽ là năm của minh bạch hoá khi Luật Tiếp cận Thông tin chính thức có hiệu lực, tạo cơ hội cho người dân hiểu thêm về chính quyền và ngược lại. Khi có sự thông hiểu lẫn nhau, niềm tin sẽ tăng lên.
Là một người trẻ của đất nước, tôi không chỉ mong quê hương thịnh vượng, mà còn mong chứng kiến gương mặt hân hoan của người dân khi thực sự thấy mình là người kiến tạo và thụ hưởng sự thịnh vượng ấy. Đó chính là nền tảng của một quốc gia, xã hội bền vững, và là tiền đề của những thành công nối tiếp thành công.
Theo Lê Nguyễn Duy Hậu (VietNamNet)