Chưa bao giờ như lúc này, hàng hiệu giảm giá, rẻ chẳng ai ngó

17/06/2020 09:29:54

Đóng cửa hàng loạt các cửa hàng trên toàn cầu, các thương hiệu thời trang thế giới từ bình dân đến xa xỉ đang thấm mệt.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực trên toàn cầu, trong đó, ngành thời trang chịu ảnh hưởng không nhỏ khi doanh số bán hàng sụt giảm 34% trong tháng 3, thậm chí được dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm từ 3-4% nữa.

Chủ sở hữu của Zara sẽ đóng cửa tới 1.200 cửa hàng trên toàn thế giới khi thương hiệu này đang phải thúc đẩy bán hàng online để cứu vớt tình hình. Theo The Guardian, Inditex - đơn vị sở hữu thương hiệu Zara - cho hay, họ sẽ đóng các cửa hàng tại khu vực châu Á và châu Âu, số nhân viên sẽ được điều chuyển sang bộ phận trực tuyến. Tổng số cửa hàng sẽ giảm từ 7.412 xuống còn từ 6.700-6.900 sau khi tái cấu trúc.

Doanh số bán quần áo của Inditex, đơn vị bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, đã sụt giảm nghiêm trọng 44% xuống còn 3,3 tỷ euro khi có dịch. Gần một nửa số cửa hàng đang phải đóng cửa. Mặc dù bán hàng trực tuyến có tăng nhưng vẫn chưa thể bù đắp được số thiệt hại. Doanh số bán hàng online tăng 50% so hàng năm và tăng 95% so với cùng tháng trước.

Chưa bao giờ như lúc này, hàng hiệu giảm giá, rẻ chẳng ai ngó
Cửa hàng thời trang đóng cửa  hàng loạt

Inditex cho biết sẽ đẩy nhanh việc bán quần áo trực tuyến để cạnh tranh với các đối thủ lớn như như H&M, Uniqlo và nhiều thương hiệu mới nổi khác. Inditex có kế hoạch chi 1 tỷ euro cho việc bán hàng trực tuyến vào năm 2022 và thêm 1,7 tỷ euro trong các cửa hàng để họ tích hợp tốt hơn với các trang web giúp giao hàng nhanh hơn và theo dõi sản phẩm theo thời gian thực.

J. Crew - một trong những "ông lớn" trong ngành thời trang bán lẻ ở Mỹ - cũng vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Trong thông báo, J. Crew cho biết hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên một tòa án liên bang ở bang Virginia nhằm tái cơ cấu khoản nợ trị giá 1,65 tỷ USD. Lĩnh vực kinh doanh trực tuyến - vốn chiếm hơn 50% doanh thu của J. Crew, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Không chỉ thời trang bình dân, Kering - tập đoàn đa quốc gia của Pháp gồm các công ty con như Gucci, Bottega Veneta, Pomellato, Ulysse Nardin và Balenciaga, báo cáo doanh thu giảm 15,4% trong quý 1. Đối thủ lớn nhất của họ, tập đoàn LVMH, có các thương hiệu Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari, Fenty, và Givenchy, cũng công bố giảm 15%.

Tương tự, Tapestry, gã khổng lồ hàng xa xỉ của Mỹ sở hữu Kate Spade, Coach và Stuart Weitzman, cho hay dịch bệnh có thể làm giảm doanh thu của tập đoàn lên tới 250 triệu USD trong nửa cuối năm nay. Riêng Estee Lauder, công ty mỹ phẩm cao cấp toàn cầu, dự đoán doanh số bán hàng trong quý 3.2020 sẽ bị ảnh hưởng thê thảm.

Chưa bao giờ như lúc này, hàng hiệu giảm giá, rẻ chẳng ai ngó - 1
Tương lai u ám cho thời trang toàn cầu

Doanh số của ngành hàng thời trang xa xỉ nói chung có thể sẽ giảm từ 35-39% trong năm nay, với 650 tỷ USD so với năm 2019. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng cho biết, kênh hàng trực tuyến giảm tới 30-40% doanh thu. Bain & Company dự đoán doanh số toàn cầu của ngành thời trang xa xỉ có thể giảm tới 60% trong quý II, tăng trưởng năm 2020 giảm 20-35% so với năm 2019 vì đại dịch Covid-19.

Bain & Company cho rằng thời gian phục hồi đáng kể cho ngành công nghiệp xa xỉ phải đến năm 2022, thậm chí năm 2023, khi đó doanh số tăng trưởng mới đạt được con số của năm 2019 rồi tăng trưởng sẽ dần trở lại quỹ đạo.

Nghiên cứu chỉ ra rằng kỳ vọng dựa trên một loạt các yếu tố, từ khả năng thấu hiểu nhu cầu tiêu dùng, xu hướng kinh tế đến du lịch và nhiều hơn nữa. Một yếu tố mà Bain đặc biệt tin tưởng là người tiêu dùng Trung Quốc rất khao khát sở hữu các mặt hàng xa xỉ - công ty hy vọng thị trường này sẽ chiếm gần 50% lượng mua hàng xa xỉ vào năm 2025, so với 35% vào năm 2019.

“Cái khó ló cái khôn”, bên cạnh việc duy trì các cửa hàng truyền thống, các nhãn hiệu xây dựng các trang web mua hàng một cách tối giản và tiện dụng để thúc đẩy nhu cầu mua sắm online trên nhiều độ tuổi khác nhau.

Theo Bảo Anh (VietNamNet)