Thượng toạ Thích Minh Quang – Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính cho biết như vậy khi nói về kinh phí hoạt động của chùa Bái Đính.
Ninh Bình được coi là một trong những địa phương phát triển về du lịch ở phía Bắc, trong đó quần thể di sản Tràng An và chùa Bái Đính được coi là hạt nhân quan trọng nhất. Đánh giá về điều này, ông Bùi Văn Mạnh - Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, quần thể Tràng An và chùa Bái Đính đóng một vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh. Riêng quần thể này chiếm tới 70%, thậm chí 80% lượng khách du lịch đến với tỉnh Ninh Bình.
Ông Mạnh cho biết, các khu điểm du lịch nằm trong quần thể danh thắng Tràng An hiện nay được giao cho các doanh nghiệp theo các dự án đã được phê duyệt. Phần lớn các dự án này đều đã được duyệt từ trước thời điểm Tràng An được UNESCO thế giới công nhận là di sản. Các doanh nghiệp này có những đóng góp rất lớn và tích cực trong việc giữ gìn di sản cũng như làm việc đề cử di sản.
Về tình hình hoạt động của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Mạnh cho biết cụ thể, lượng khách đổ về đây tương đối tăng đều qua các năm. Tăng bình quân khoảng 8-10%/ mỗi năm, có năm thì tăng hơn 10%. Trước đây, khi mới được công nhận di sản thế giới thì lượng khách đổ về rất đông nhưng đến năm nay thì lượng khách đi vào ổn định nhưng vẫn giữ nhịp tăng 2-3% trong dịp đầu năm.
Cụ thể hơn, ông Mạnh cho biết, sức chứa ở Tràng An hiện này là một ngày đón tối đa 25-26.000 lượt khách. Trước đây vào ngày cao điểm lượng khách đổ về có thể lên đến 30 nghìn lượt nhưng hiện nay chúng tôi đã cùng với doanh nghiệp tính sức chứa, nếu có thể phục vụ được thì tối đa cũng chỉ đến 25-26 nghìn lượt, nếu quá tải thì sẽ dừng bán vé, giới thiệu cho khách đi du lịch tại các điểm khác như Bái Đính để giảm tải. Lượng khách thường quá tải vào những ngày cuối tuần.
Riêng tại chùa Bái Đính, có những ngày cao điểm thì đón tiếp khoảng 18 vạn lượt khách. Ở đó có bãi xe rất rộng, được sắp xếp bố trí tương đối tốt nên đường ra đường vào không bị xung đột về giao thông nên không có tình trạng tắc nghẽn.
Năm 2018, tổng số lượng lượt khách đến toàn tỉnh là 7,3 triệu lượt. Trong đó, lượng khách đến Tràng An và Bái Đính chiếm 80% toàn tỉnh. Phần lớn khách đến Bái Đính, chiếm khoảng 70% trong tổng số đó. Bái Đính không thu phí tham quan với chùa mà chỉ thu phí đối với các dịch vụ như xe điện... Ở Bảo Tháp thu vé 50 nghìn đồng/lượt là vào tiền sử dụng thang máy, bảo vệ, trông coi xá lị.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, khu di sản Tràng An đang được Công ty Tràng An khai thác và vận hành. Việc bán vé đò cùng các dịch vụ phụ trợ tại đây đang được doanh nghiệp này vận hành. Giá vé hiện hành là 200 nghìn đồng/người lớn/lượt và 100 nghìn đồng/trẻ em/lượt. Vào những giai đoạn cao điểm, phía Ban quản lý Bến đò Tràng An thuộc Công ty Tràng An còn phải dừng bán vé do quá đông khách. Thông tin tìm hiểu cho thấy, Công ty Tràng An thuộc Tập đoàn Xuân Trường. Bên cạnh Công ty Tràng An, doanh nghiệp Xuân Trường còn có sự hiện diện ở một số đơn vị khác và cũng có liên quan đến việc khai thác ở khu di sản Tràng An.
Về nguồn thu từ di sản, theo luật các doanh nghiệp đã được duyệt dự án sẽ đóng góp theo thuế. Ngân sách tỉnh hàng năm sẽ chi theo dự toán của các đơn vị quản lý di sản ví dụ như BQL Tràng An, Sở Văn hoá hay các ban ngành có liên quan và tỉnh sẽ cấp theo ngân sách theo luật. Còn lại các đơn vị đóng góp theo luật thuế áp dụng với doanh nghiệp (chỉ áp dụng với các khu điểm Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Cố đô Hoa Lư). Còn chùa Bái Đính thì là của nhà chùa.
Tổng nguồn thu từ các hoạt động du lịch của toàn tỉnh Ninh Bình theo các số liệu thống kê năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Con số này được thống kê theo công thức xã hội học; trên thực tế nếu thống kê về thu ngân sách thì rất ít. Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An không giám sát nguồn thu của các ban quản lý khu điểm du lịch. Trách nhiệm đó thuộc về trách nhiệm của bên tài chính, thuế.
Trao đổi về những hoạt động tại chùa Bái Đính, Thượng toạ Thích Minh Quang, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại, phía doanh nghiệp của ông Xuân Trường vẫn phải đứng ra đài thọ cho các chi phí của chùa, nếu trông vào nguồn thu riêng của chùa thì không đủ.
Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết, từ năm 2014 cho đến những năm vừa qua, lượng du khách đến chùa Bái Đính ngày một đông, đặc biệt là khách quốc tế. Để làm tốt việc quản lý danh lam thắng cảnh ở trong quần thể di sản văn hoá thiên nhiên thế giới thì các cấp các ngành của tỉnh Ninh Bình cũng như các thầy trong ban trụ trì của chùa đã có những biện pháp rất cụ thể như tích cực tuyên truyền, vận động đối với bà con khi đến chùa phải thực hiện tốt văn hoá đi lễ chùa. Chùa Bái Đính có một đội ngũ làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh rất hùng hậu. Có những ngày cao điểm 30 vạn người đến, như hôm mùng Năm Tết vừa qua.
“Những thắc mắc về vấn đề tiền công đức hay tiền giọt dầu ở chùa Bái Đính, đó là vấn đề chúng ta cần phải làm rất rõ. Có nhiều người hỏi tôi rằng tiền công đức của chùa Bái Đính thì đi đâu? Tôi cũng phải nói rằng thế bây giờ ở chùa có 400 con người thì trả lương như thế nào. Chùa Bái Đính mỗi tháng trả tiền điện hết 700 triệu đồng, một năm gần 10 tỷ đồng tiền điện. Mà mọi người thấy đấy, để duy trì, phát triển được một ngôi chùa lớn như vậy với hơn 400 con người hiện nay đang làm việc, mà bà con nhân dân đến thì chùa Bái Đính không có thu vé, chỉ thu mỗi tiền xe điện lên xuống nếu ai đi, còn không đi thì đi bộ không có vấn đề gì cả…” thượng toạ Thích Minh Quang cho biết.
Theo Thượng toạ, “tiền thu ở chùa Bái Đính một năm chỉ đủ khoảng 1/3 cho chi phí, còn 2/3 là ông Xuân Trường (doanh nghiệp Xuân Trường – PV) phải đưa lên để lo cho chi phí của chùa. Ví dụ như tiền trị mối ở một cái nhà Tổ là 3 tỷ đồng; còn chưa kể vô vàn khách, công việc, duy tu bảo dưỡng… Cho nên nếu chúng ta cứ nhìn vào tiền công đức để mà đánh giá, mà nói là hoàn toàn sai, không có đúng đâu…”
Nói về vấn đề tiền công đức, tiền giọt dầu, Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ: Ở chùa Bái Đính, mọi người đến mà xem, mở hòm công đức ra thì thấy mọi người đặt tiền 500 đồng vẫn còn phổ biến. Một xe ô tô tiền khi kiểm đếm cũng chỉ được hơn 30 triệu đồng. Hiện tại ở chùa có 400 cán bộ công nhân viên, một tháng trả bình quân 4,5 triệu đồng – 8 triệu đồng cho một người. Chi phí là lớn vô cùng. Ví dụ, như một cái xe điện nếu khách lên là 30.000 đồng, mà một năm 8 bình ắc qui trong xe điện phải thay một lần, mỗi lần thay bộ ắc qui hết 50 triệu cho một xe điện. Thu tiền bà con đi lại thì cũng chỉ đủ cho chi phí bình ắc qui.
Về việc theo dõi tình hình tài chính thu chi tại chùa Bái Đính, Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết, có một bộ phận chuyên làm về các vấn đề tài chính ở chùa Bái Đính. Chi phí là lớn khủng khiếp, như vừa rồi, để cho bà con đến thăm quan chiêm bái thì phải đầu tư rất nhiều cây cối, hoa lá. Đầu tư hơn 30 tỷ đồng chỉ nguyên tiền hoa và cây. Nhưng năm nay thời tiết không ủng hộ, tết mà nắng như đổ lửa nên tan tành hết.
“Lý do phải thu phí ở khu bảo tháp vì ở đó cần lượng điện rất lớn, như năm nay là hơn 30 người thường trực ngày 2 ca để phục vụ cho công việc ở bảo tháp như đón tiếp, duy trì, bảo vệ an ninh trật tự. Khu bảo tháp là nơi tôn nghiêm nên phải bảo vệ duy trì rất nghiêm ngặt. Với một lượng điện để cung cấp cho hai thang máy lên xuống liên tục như vậy thì duy nhất ở bảo tháp có thu phí để duy tu bảo dưỡng, để lo tiền điện, để chi phí cho các vấn đề phục vụ. Bảo tháp nhỏ như vậy nếu mở cửa hoàn toàn thì sẽ không đáp ứng được, không phục vụ được nên mục đích thu một chút phí ở đây cũng là để hạn chế lượng người lên bảo tháp…” Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết.
Cùng với đó, hiện tại, Chùa Bái Đính cũng đang phải chi ra một nguồn tiền lớn để sửa chữa. Theo nhà chùa, thời gian xây dựng vội vàng nên bây giờ trong chùa xuống cấp rất nhiều chỗ. Như năm kia và năm ngoái phải mất hơn 50 tỷ đồng để duy tu. Chùa quá lớn mà các thầy cũng tính làm sao để tiết kiệm chi phí tiền điện nhưng Xuân Trường bảo không được cho nên ngày nào cũng vậy, chùa thắp đèn cả đêm, nhưng gần đây là đến 22 giờ tối đã tắt. Toàn bộ tiền điện của hệ thống đèn chiếu sáng ở con đường dẫn từ Bái Đính xuống Tràng An là do chùa Bái Đính chi trả. Vừa rồi, toàn bộ tượng cũng lại phải dát lại vàng bởi vì bị ẩm và có hiện tượng bong tróc.
Tại chùa Bái Đính hoàn toàn không có lực lượng Phật tử làm công quả như nhiều ngôi chùa khác. Nguyên nhân của việc này theo Thượng toạ Thích Minh Quang lý giải là do tất cả mọi người đều nghĩ rằng ở chùa Bái Đính đã được ông Xuân Trường đài thọ nên không phải làm gì.
“Toàn bộ mấy chục người để viết công đức đều phải trả lương hết. Tất cả là hơn 50 người, được trả lương hàng tháng, mua bảo hiểm bình thường. Trước Tết lương của những người này là 4 triệu đồng/tháng, vừa rồi mới tăng lên 4,5 triệu đồng/tháng. Người viết công đức rất là vất vả, người ta phải ngồi rất nhiều…” thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ thêm.
Theo Ngọc Cương – Thuỳ Chi (Ngaynay.vn)