Màn đối đáp về tiền, con cái giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ
Ông chủ Trung Nguyên: 'Vợ phải ra vợ, trên dưới rõ ràng' |
Tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sáng 21/2, chủ tọa Nguyễn Văn Xuân đã dành nhiều thời gian khuyên nhủ bà Thảo rút đơn ly hôn, trở về sống với ông Vũ, chăm sóc con cái, quản lý gia sản.
"Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng... Tài sản vẫn là của chung vợ chồng. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?", chủ tọa nói với bà Thảo.
Thẩm phán Xuân cũng cho rằng ông Vũ là người thông minh, có sức khỏe tốt chứ không phải "người cõi trên" như bà Thảo lo lắng.
"Chị vừa giữ gia đình, quản lý tài sản... Chị sống như bà hoàng... Tôi đọc hồ sơ, thấy ông Vũ không có biểu hiện gì là không chung thủy với vợ, ổng rất quan tâm đến vợ con. Toàn bộ tài sản ở ngân hàng không có tên Vũ và toàn tên chị, chứng tỏ rất tin chị. Ông Vũ sống với chị chung thủy, đàng hoàng, không có dấu hiệu gì ông ngoại tình", chủ tọa liên tục ngỏ ý hòa giải cho cuộc hôn nhân đang vỡ tan của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên.
Trong phần tranh luận, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo) cho rằng ông rất ngạc nhiên khi nghe chủ tọa khuyên nhủ như vậy.
"Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một người bị cấm không cho vào công ty mấy năm nay đi về nấu cơm nấu nước, chăm lo cho chồng? Lời khuyên không phù hợp. Ở đây có những người là phụ nữ, thử hỏi lời khuyên này có hợp với pháp lý và đạo lý hay không?", luật sư bảo vệ cho bà Thảo gay gắt và cho rằng điều này trái với luật Hôn nhân gia đình và các quy định pháp luật.
Chủ tọa chỉ muốn hòa giải
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, giảng viên khoa Luật Dân sự, cho rằng với vụ việc ly hôn thì hai bên hòa giải được là điều tốt nhất, chủ tọa ở phiên tòa cũng chỉ đang làm nhiệm vụ hòa giải cho một cuộc hôn nhân đang sụp đổ.
"Tôi nghĩ thẩm phán muốn hoà giải thôi, mà hoà giải thì phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng vụ việc. Ly hôn thì hoà giải được là tốt nhất. Không ai muốn gia đình ly tán rồi ảnh hưởng con cái. Chủ tọa căn cứ vào hoàn cảnh thực tế để đưa ra lời khuyên. Lời lẽ của vị chủ tọa chưa được khéo léo nhưng cuối cùng đã làm thay đổi quyết định của bà Thảo là rút đơn ly hôn, xem như lời khuyên này có hiệu quả", giảng viên Đại học Luật TP.HCM nêu quan điểm.
"Kết quả lời khuyên của vị chủ tọa là bà Thảo có ý định rút đơn ly hôn ngay tại tòa. Như vậy, lời khuyên của thẩm phán có hiệu quả", luật sư Huỳnh Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) có cùng nhận định và cho rằng chủ tọa phiên tòa không sai.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng xét về quyền hạn HĐXX trong đó có thẩm phán chủ toạ phiên toà thì không có gì sai luật. Thẩm phán có quyền gợi ý để các bên đương sự tự giải quyết.
Tuy nhiên, luật sư Nam đánh giá các nội dung chủ tọa gợi ý hoà giải, hỏi các bên có rút yêu cầu khởi kiện hay thoả thuận với nhau về cách thức giải quyết vụ án theo Điều 243 BLTTDS thì chưa phù hợp, có thể làm dư luận suy nghĩ theo hướng chủ tọa thiên vị hay phân biệt đối xử theo giới.
Nhận định chủ quan?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng cách đặt câu hỏi của chủ tọa là chưa đúng.
"Phiên tòa ly hôn phải đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ theo luật Hôn nhân gia đình, đảm bảo bình đẳng giới. Khi xét xử, chủ tọa phải khách quan, trung dung, không thiên vị. Nhưng cách khuyên nhủ của thẩm phán này đang có phần thiên vị", luật sư Nữ nói.
Thêm vào đó, bà cho rằng việc hòa giải phải được tiến hành trước đó. Trước khi phiên tòa bắt đầu, HĐXX cũng đã hỏi lại vấn đề hòa giải của hai bên nên việc chủ tọa đề nghị bà Thảo rút đơn để hòa giải là không đúng.
"Chưa kể việc chủ tọa còn khẳng định ông Vũ không ngoại tình dựa vào hồ sơ là nhận định chủ quan", Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhận định.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc điều hành phiên toà của chủ toạ như vậy có thể nói là hơi thiếu khách quan, việc này được thực hiện khi tiến hành hoà giải giữa hai bên thì phù hợp hơn.
"Những lời khuyên của chủ tọa vô tình sẽ thiếu khách quan, thiên vị cho một bên. Đây là điều hết sức tránh tại một phiên toà quan trọng như thế", luật sư Học nói.
"Việc nhận định một vấn đề gì thì chỉ có HĐXX chứ không phải chủ tọa. Hơn nữa, đây là vấn đề mang tính cá nhân, đáng lẽ chủ toạ nên điều chỉnh, hướng dẫn đương sự khai và có chứng cứ chứng minh chứ không thể tự ý kết luận như vậy", luật sư này nêu quan điểm.
"Nếu sau này HĐXX đưa ra phán quyết mà bà Thảo không hài lòng thì nội dung kháng cáo sẽ đề cập đến việc Thẩm phán, chủ toạ thiên vị, không khách quan", luật sư Thu Nam diễn giải.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)