Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp trình bày, sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt thời gian qua ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, hải sản.
Theo thống kê của ngành du lịch Hà Tĩnh, các dịp nghỉ lễ vừa qua, lượng khách đặt phòng rồi hủy bỏ từ 70 đến 80%, tổng thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Có khoảng 1.200 lao động làm việc trong ngàn du lịch không có việc làm.
Đối với việc kinh doanh hải sản, ngư dân đánh bắt về không ai mua. Nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn chính quyền sớm có câu trả lời về độ an toàn của biển và hải sản để chấm dứt tình trạng hàng hóa ế ẩm như hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tại buổi đối thoại với chủ tịch Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Đ.H |
Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp cũng bày tỏ sự búc xúc về việc bị các cơ quan ban ngành gây phiền hà khi tới làm việc. Đa số đều cho rằng thủ tục hành chính ở Hà Tĩnh hiện nay làm khó họ, cần cải cách thể chế, giao trách nhiệm cho ban ngành. Các huyện, thị xã phải xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Khánh truy vấn những nhân viên của sở, ban ngành nào gây nhũng nhiễu doanh nghiệp để xử lý. Nhiều người trả lời "sở nào cũng có", giao dịch một cửa nhưng mỗi ban ngành lại có "một cửa" khác nhau, "trên trải thảm dưới rải đinh", gây áp lực cho doanh nghiệp.
"Chính sách một cửa, nhưng từ nhân viên đến lãnh đạo đều hành doanh nghiệp”, một đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh nêu quan điểm.
Ông Lý Ngân, Giám đốc Công ty cổ phần Lý Ngân Vina bày tỏ, mỗi ngày nhiều doanh nghiệp mở mắt ra là tiêu tiền ngân hàng, đi xe đẹp, ăn mặc đẹp nhưng nợ nần chồng chất. Do vậy các cơ quan nhà nước không nên tạo ức chế mà nên tạo mối quan hệ thân thiện, để cùng nhau đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Ông Đặng Quốc Khánh công khai số điện thoại cá nhân, yêu cầu nếu ai gặp khó khăn thì nhắn tin ông sẽ giải quyết. Ảnh: Đ.H |
Tiếp thu ý kiến của các chủ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chủ tịch các huyện và Giám đốc các sở phải báo cáo vấn đề mà doanh nghiệp chia sẻ. Đối với thủ tục hành chính, ông Khánh thừa nhận hiện nay trách nhiệm của một số lãnh đạo sở, ngành chưa cao nên để cấp dưới và nhân viên giải quyết thủ tục hành chính không rõ ràng, nảy sinh chi phí và làm mất thời gian của doanh nghiệp.
"Cái gì khó nói thì mọi người cứ nhắn tin vào số 0913556943 cho tôi. Sau đó chúng tôi sẽ giải quyết triệt để, nghiêm cấm các tổ chức gây phiền hà, khó dễ cho doanh nghiệp. Tôi hứa sẽ giữ bí mật để chúng ta thẳng thắn, thoải mái", ông Khánh nói.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Khánh mong muốn thời gian tới nhận được nhiều sự phản hồi của các doanh nghiệp. Ông đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các huyện thường xuyên cập nhật và đề xuất, trao đổi trực tiếp với Chủ tịch tỉnh để được chỉ đạo giải quyết thường xuyên.
"Doanh nghiệp vướng mắc ở đâu cứ kiến nghị UBND tỉnh, không phải qua sở mà tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo. Nếu không gửi văn bản thì cứ gọi điện, gửi tin nhắn cho chủ tịch tỉnh", ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 5% doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, 67 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Năm 2016, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho hơn 88 nghìn lao động, tăng 1.500 lao động so với cuối năm 2015. Bảy tháng đầu năm nay có 72 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, 82 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. |