Sáng ngày 23-10, đại diện của hơn 20 nhà cung cấp thực phẩm cho các chuỗi nhà hàng thuộc công ty Huy Việt Nam kéo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ Công An TP.HCM (Đường 3/2, quận 10) để nộp đơn tố cáo.
Tuy nhiên phía Cơ quan Cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ Công An TP.HCM từ chối tiếp nhận thông tin do nhận thấy sự việc liên quan đến quan hệ pháp luật dân sự, chưa có dấu hiệu cho thấy yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó các cán bộ tại đây đã hướng dẫn hơn 20 nhà cung cấp làm việc với công an phường Cô Giang (quận 1) theo đúng trình tự.
Tại đây đại diện một nhà cung cấp thực phẩm cho chuỗi nhà hàng món Huế bức xúc thông tin: "Sau cuộc gặp mặt từ phía nhà hàng Món Huế để xác nhận công nợ và lịch trả nợ hàng tháng, tôi đã tin tưởng và không bao giờ nghĩ rằng họ âm thầm thu dọn văn phòng và trốn biệt tăm. Đến nay dù nhiều lần liên hệ với bà Hạnh (Ngô Thị Mỹ Hạnh- đại diện nhà hàng Món Huế-PV) và kéo đến nhà ông Huy (chủ của công ty Huy Việt Nam-PV) nhưng không gặp được để đòi nợ."
Cũng tương tự vị này, đại đại diện nhà cung cấp rau củ quả Bình Điền bức xúc lên tiếng: "Tôi nghĩ đây là việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải vỡ nợ. Bên họ không bán hàng nữa, trụ sở không có dấu hiệu làm việc nhưng cũng không thanh toán công nợ, chúng tôi không liên hệ được với ai nên phải chạy lên CA TP.HCM để mong được giúp đỡ". Vị này cũng thông tin, hệ thống Huy Việt Nam chậm trả công nợ lên đến 1,3 tỷ đồng.
Theo thông tin trong nhóm kín của những nhà cung cấp bị chậm trả công nợ, tính đến trưa ngày 23/10 đã có 48 nhà cung cấp từ Nam ra Bắc đã lên tiếng và có giấy xác nhận công nợ từ các hệ thống của Huy Việt Nam. Theo đó tổng số tiền nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Các đơn vị cung ứng hàng hóa của hệ thống cửa hàng của Huy Việt Nam không chỉ dừng lại ở thực phẩm, mà còn là hệ thống camera, máy in, dịch vụ văn phòng...
Trước đó, trả lời PLO, Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nhìn nhận: "Trong vụ việc nêu trên, quan hệ pháp lý là giữa nhà cung cấp với pháp nhân quản lý chuỗi nhà hàng. Cụ thể, pháp nhân ở đây là Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (thuộc sở hữu Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam). Việc người chủ hay người đại diện của công ty này bỏ trốn cũng không làm mất đi trách nhiệm pháp lý của pháp nhân. Đây là mối quan hệ dân sự giữa pháp nhân và các nhà cung cấp thực phẩm nên dựa vào những thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên để xử lý".
Theo luật sư Vũ, có thể giải quyết bằng hai phương án. Thứ nhất là khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự về tranh chấp hợp đồng. Thứ hai, nếu nợ quá hạn ba tháng trở lên mà Món Huế không có khả năng thanh toán thì các nhà cung cấp (chủ nợ) có thể nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản và phân chia tài sản còn lại của công ty để thanh toán nợ theo quy định của Luật Phá sản.
Theo Thu Hà (Pháp Luật TP.HCM)