Chỉ buôn đồng nát có tiền xây nhà 100 tỷ?
Thời gian qua, lâu đài trị giá 100 tỷ đồng, tọa lạc ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Chủ nhân của lâu đài là anh Nguyễn Vĩnh Thoan (sinh năm 1978). Anh Thoan được biết đến là người giàu có nhờ nghề buôn đồng nát. Vì vậy, nhiều người gọi anh bằng cái tên gần gũi là “đại gia đồng nát”.
Theo dõi câu chuyện của anh Thoan, nhiều người tò mò, hoài nghi việc vị đại gia chỉ buôn đồng nát mà lại có khối tài sản đáng ngưỡng mộ như vậy?
Nói về vấn đề này, anh Thoan cho biết trước đây anh khởi nghiệp bằng nghề buôn đồng nát. Anh buôn bán không chỉ địa phương mà còn sang nhiều tỉnh thành lân cận. Gia đình anh vẫn đang duy trì nghề này nhưng đó chỉ là một mảng nhỏ. Công việc chính của anh Thoan hiện nay là buôn bán xe ô tô cũ, phụ tùng ô tô.
"Tôi mua xe ô tô cũ, máy xúc và một số loại máy móc khác về sau đó cho thợ tháo dỡ phụ tùng, linh kiện, máy móc trong xe ra. Xe nào còn tốt thì tôi sẽ đại tu, sơn sửa, gò hàn, phục hồi,... rồi bán lại nguyên chiếc. Giá xe tùy thuộc vào chất lượng, trung bình từ 200 - 500 triệu đồng/chiếc, loại thấp hơn cũng có.
Xe nào cũ, xấu hơn thì tôi tháo phụ tùng để bán, những phần không sử dụng đến thì chuyển đi bán đồng nát”, anh Thoan nói.
Gia đình anh Thoan hiện sở hữu cơ sở kinh doanh lớn, rộng rãi, số lượng nhân viên khoảng 30 người. Ngoài ra, đại gia người Nghệ An còn đầu tư về lĩnh vực bất động sản.
Công nhân khen ông chủ hết lời
Những công nhân tại xưởng của anh Thoan chủ yếu là người địa phương, đã gắn bó thời gian dài. Nhận xét về ông chủ, những người công nhân đều chung quan điểm rằng anh Thoan có vẻ ngoài khá hầm hố nhưng thực tế là người thoải mái, hiền lành, nhân hậu, điềm đạm, đảm đang, nhiệt tình giúp đỡ anh em, bình đẳng, không phân biệt chủ - tớ.
Một người công nhân đã làm việc cho anh Thoan hơn 10 năm chia sẻ: “Ông chủ là người có đầu óc, tính toán rất giỏi, trí nhớ siêu phàm. Ví dụ ai đọc số điện thoại chỉ một lần là anh ấy nhớ. Tất cả vòng bi trong các loại xe, tôi là người làm trực tiếp nhiều khi còn chẳng nhớ nhưng cứ hỏi là anh ấy nhớ hết. Bởi vậy hàng ngày anh Thoan vẫn phải hướng dẫn cho chúng tôi nhiều”.
Một công nhân khác làm ở bộ phận gầm máy bày tỏ, câu chuyện anh Thoan thành công, đi lên từ hai bàn tay trắng đã truyền cảm hứng cho anh và rất nhiều người. Nam công nhân xin vào xưởng làm việc với mong muốn vừa làm, vừa học hỏi, mong sau này có thể phát triển giống như ông chủ.
Vì khối lượng công việc nhiều nên hàng ngày, anh Thoan phải thường xuyên có mặt ở xưởng để điều phối, hướng dẫn anh em công nhân.
Chị Phạm Thị Bình (sinh năm 1980), vợ của anh Thoan bộc bạch thêm, để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng chị cũng có nhiều thời điểm liều lĩnh, cân não quyết định và không thể thiếu cả sự may mắn.
Hiện tại, lâu đài của gia đình anh Thoan vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo Lam Giang (Nguoiduatin.vn)