Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ À La Carte Hạ Long bị thiệt hại nặng nề khi bị bão số 3 quật vỡ kính. Không nêu cụ thể con số thiệt hại nhưng ông Đỗ Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Taseco, chủ đầu tư dự án, cho biết có thể lên đến cả trăm tỷ đồng. Thiệt hại chưa thể đong đếm được là thời gian đưa vào hoạt động bị chậm khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội, mất dòng tiền, trong khi vẫn phải trả lương cho người lao động.
Ngay sau khi bão kết thúc, công ty thông báo cho các đối tác, đơn vị lữ hành về thời gian dự kiến khách sạn đi vào hoạt động từ sau 3-3,5 tháng, bởi cần ít nhất 1,5 tháng chờ đợi nhập thiết bị từ nước ngoài về và 1,5-2 tháng để hoàn thiện thi công.
Tại tọa đàm “Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 – Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp” tổ chức sáng 1/10, ông Thanh cho biết, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với bão và chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng sức tàn phá của Yagi nằm ngoài khả năng chống chịu của công trình.
“Hệ thống kính của khách sạn chắc chắn là loại tốt nhất dùng cho nhà cao tầng, không chỉ tốt nhất Việt Nam mà còn tốt nhất thế giới”, ông Thanh khẳng định. Toàn bộ hệ thống kính được nhập từ nước ngoài và thuê đơn vị thiết kế uy tín hàng đầu thế giới. Chủ đầu tư mời Viện Khoa học xây dựng của Bộ Xây dựng kiểm định toàn bộ thiết kế, thử sức gió của bão theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam. Nhà thầu thi công cũng là đơn vị hàng đầu của Việt Nam.
Theo ông Thanh, hàng trăm ô cửa kính bị vỡ, kéo theo nội thất bên trong bị hư hại nặng nề, các căn hộ gần như chỉ còn trơ khung. Chủ đầu tư cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí khắc phục hoàn thiện nội thất bên trong căn hộ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Hầu hết căn hộ tại dự án được khách hàng sử dụng cho thuê dịch vụ lưu trú, nguồn tiền trả nợ ngân hàng từ việc cho thuê căn hộ. Thống kê có hơn 100 khách hàng mua căn hộ tại đây vay nợ ngân hàng.
Ông Thanh cho hay, dù các doanh nghiệp bảo hiểm xuống kiểm tra hiện trường và thẩm định thiệt hại nhưng đến nay công ty vẫn chưa nhận được bồi thường nào từ phía đơn vị bảo hiểm. Chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục cung cấp hồ sơ giấy tờ cho các đơn vị bảo hiểm. Việc thẩm định liên quan đến bồi thường thiệt hại chậm, kéo theo việc chậm mua các thiết bị mới.
Đại diện một doanh nghiệp khác tại Hạ Long, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc CTCP đầu tư phát triển nhà số 6 Hạ Long (Handico 6 Hạ Long, chủ đầu tư dự án Green Diamond Hạ Long) cho biết, dự án có 123 căn chung cư bị ảnh hưởng, trong đó 23 căn hư hại nặng, chủ nhà phải tạm thời chuyển sang nơi ở mới. Toàn bộ thang máy, hệ thống đỗ xe tự động bị ảnh hưởng, cây xanh trong khuôn viên dự án bị tàn phá. Tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Sau 7 ngày, công ty mới khôi phục hoàn toàn hệ thống thang máy và hệ thống phòng cháy chữa cháy, đến nay đã tiến hành sửa chữa khoảng 100 căn hộ. Ngay sau bão, đơn vị bảo hiểm xuống kiểm đếm, xác định thiệt hại để làm cơ sở xác định bồi thường cho doanh nghiệp.
“Sau khi bão qua, chúng tôi đã họp và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc đối phó với những cơn bão sau này. Bài học quan trọng là cần phát huy tính cộng đồng trong cư dân, nhà nọ hỗ trợ nhà kia; thành lập các tổ ứng cứu theo từng tầng; nếu chỉ dựa vào ban quản trị và chủ đầu tư thì không thể hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời cũng rút ra những lưu ý trong việc lựa chọn vật liệu cho những dự án sau này, cũng như hệ thống khe gió thiết kế như thế nào để đảm bảo an toàn và lựa chọn trồng cây công trình cho phù hợp”, ông Đức cho hay.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết tổng thiệt hại trực tiếp về tài sản của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Hạ Long do cơn bão số 3 xác định khoảng 19.500 tỷ đồng. Thiệt hại chung của toàn tỉnh Quảng Ninh là 25.000 tỷ đồng.
Sau 3 ngày khi bão tan, Hạ Long đã cơ bản dọn dẹp xong toàn bộ đường phố và đón khách du lịch trở lại. Từ ngày 11-15/9, Hạ Long đón trên 22.000 khách du lịch, trong đó có 18.800 lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách du lịch đến Hạ Long từ đầu năm đạt 9,2 triệu lượt khách, bằng 133% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, chính quyền TP Hạ Long có nhiều giải pháp. Trong 3 tháng còn lại của năm 2024 sẽ tập trung nguồn lực, đồng bộ nhóm giải pháp và dành 474 tỷ đồng để thực hiện giải pháp ngắn hạn. Năm 2025 tập trung giải pháp tái thiết thành phố, triển khai công trình trọng điểm, trong đó có đề xuất xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão khoảng 500 tỷ đồng.
Hiện còn nhiều tàu du lịch và tàu cá bị chìm trên biển Hạ Long và chưa thể trục vớt. Thành phố đưa ra mức hỗ trợ 50 triệu đồng trục vớt tàu thuyền cho ngư dân. Tuy nhiên, chưa có quy định chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước trong việc trục vớt tàu du lịch bị đắm.
Theo Thanh Nguyễn (VietNamNet)