Hà Nội vừa trải qua hai ngày nắng nóng với nền nhiệt lên tới 36-37 độ C. Mặc dù chưa phải kỷ lục song đợt nắng đầu tiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, với các tiểu thương kinh doanh mặt hàng chống nắng, đây lại là cơ hội ăn nên, làm ra. Khảo sát trên thị trường Hà Nội, nhiều sản phẩm "ăn theo" mùa hè đã được tung ra, không ít loại có giá lên tới cả triệu đồng.
Trong đó, mặt hàng áo chống nắng được quảng cáo là sử dụng công nghệ Nhật Bản hoặc Đài Loan có khả năng chống tia UV, cách nhiệt. Vì chất áo cotton dệt kèm sợi gốm ceramic cao cấp hoặc làm từ vải thun lạnh công nghệ Airism nên sản phẩm dạng này có giá đắt đỏ nhất, ở mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/chiếc.
Theo lý giải của chị Thái (chủ cửa hàng phân phối áo chống nắng ở Thái Thịnh, Hà Nội), do dùng công nghệ sản xuất cao và là hàng nhập khẩu nên giá thành sản phẩm đắt hơn các loại áo chống nắng truyền thống trên thị trường.
Tuy nhiên, tiểu thương này cũng thừa nhận, khách hàng chọn dòng sản phẩm này chủ yếu là những người có thu nhập, mua bộ sản phẩm để chơi golf, tennis. Do vậy, chủ cửa hàng chỉ nhận các đơn đặt hàng chứ không nhập ồ ạt về bán.
Bên cạnh áo chống nắng, các loại khẩu trang, mũ chống nắng, găng tay cũng có giá bán từ 200.000 – 500.000 đồng. Tính sơ, trọn bộ váy áo, mũ chống nắng đắt tiền, khách hàng phải chi đến 3-4 triệu đồng.
Khảo sát thị trường, mặt hàng áo chống nắng nam giới cũng gây chú ý vì có giá bán cũng không hề rẻ.
Nhìn bề ngoài loại áo chống nắng này trông không khác nhiều áo thun dài tay mùa thu hay áo gió, có mũ, phần che bàn tay, với các màu sắc thường được nam giới ưa chuộng như rằn ri, màu xanh jean hoặc màu đen. Sản phẩm này có giá bán từ 500.000 – 700.000 đồng/chiếc.
Theo chủ cửa hàng chuyên bán áo chống nắng nam giới trên phố Thái Thịnh, khách hàng chủ yếu là cánh tài xế Grab, xe ôm truyền thống hoặc những người làm nghề vận chuyển, shipper, thường xuyên làm việc ngoài nắng nóng.
"Thậm chí, có khách gom mua hộ đồng nghiệp tới 7-8 áo/lần, nên vài ngày nay, cửa hàng bán rất chạy hàng", chủ hàng này nói thêm.
Một loại áo chống nắng ôm sát, mặc lót bên trong và găng tay rời cho nam giới cũng được rao bán bán rầm rộ. Trong đó, áo thun mặc lót có giá từ 120.000 - 200.000 đồng/chiếc, găng tay ở mức 60.000 – 150.000 đồng/đôi.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, dòng áo chống nắng cho trẻ em cũng cho thấy sự tăng giá nhẹ, ở mức 180.000 – 550.000 đồng/chiếc tùy vào chất liệu, thương hiệu.
Song song với độ hot của chiếc áo công nghệ Nhật Bản, thì thị trường phổ biến dòng áo chống nắng từ vải thô, vải lanh, với giá thành rẻ hơn, từ 150.000 – 300.000 đồng/chiếc. Riêng dòng áo dài, trùm kín qua đầu gối người mặc có giá từ 500.000 đồng, tăng gần gấp 2 lần so với trước đây.
Theo tiểu thương tại chợ Thành Công (Hà Nội), sở dĩ giá đồ chống nắng tăng vì mới vào đầu mùa nên lượng khách đông hơn.
"Chẳng ai chờ đến giữa mùa mới mua, nên cứ đợt nóng đầu tiên là bán chạy hàng nhất, cửa hàng cũng tăng giá để kiếm lời", tiểu thương này cho hay.
Sức mua dòng sản phẩm chống nắng tăng mạnh khi nhiều tiểu thương cho biết, lượng hàng đổ xỉ mặt hàng tăng gấp 2 lần trong vài ngày đầu tháng 5. Dự kiến, đợt cao điểm bung hàng chống nắng sẽ đến giữa hoặc cuối tháng 5.
Chị Hòa (một tiểu thương tại chợ Thành Công, Hà Nội) cho hay, chỉ một tuần nay, lượng hàng đổ xỉ cho các đại lý nhỏ ở Hà Nội và khách tỉnh nhập hàng tăng đột biến. Trung bình một ngày, tiểu thương này có tới 170 – 180 đơn hàng, trị giá mỗi đơn thấp nhất là 10 triệu đồng, cao hơn có thể lên tới 30 triệu đồng.
Mặc dù được quảng cáo với những tính năng chống nắng tốt, song không ít người tiêu dùng khá dè dặt với mặt hàng có giá quá đắt đỏ. Khách vẫn có tâm lý chọn những dòng truyền thống, may từ vải vì giá thành rẻ hơn.
"Đó chỉ là lời nói của người bán, còn thực hư có chống được tia tử ngoại như quảng cáo hay không thì chẳng ai biết được", chị Thanh (một khách hàng mua áo chống nắng tại chợ Thành Công) chia sẻ.
Tuy nhiên, vị khách này cũng phân tích, nhược điểm của một số dòng áo chống nắng từ vải là có thể bị co khi giặt, một số dòng vải thô lại rất nặng. Ngoài ra, nếu không chú ý, mua áo gia công kém chất lượng, khóa áo sẽ rất nhanh hỏng.
Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)