Bên cạnh các loại phí dễ dàng thấy được như phí rút tiền, chuyển khoản, còn nhiều "phí ẩn" rất khó nhận biết của các ngân hàng.
Thu phí kép?
Ông Nguyễn Tiền Giang (Đồng Tháp), kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cho biết cách đây vài tháng ông chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng S. có trụ sở tại quận 3, TP.HCM vì mới mở chi nhánh gần nhà. Dù tiện lợi hơn nhưng mức thu phí lại quá "rát".
Cho biết mỗi ngày đều thu tiền mặt tại cửa hàng sau đó nộp vào tài khoản ngân hàng, rồi từ đó chuyển đi thanh toán tiền mua hàng, ông Giang cho hay ngân hàng phân ra nhiều cách thu phí khác nhau và mức phí khá khác nhau giữa các ngân hàng.
Ví dụ tại ngân hàng S., nếu chuyển khoản cùng hệ thống, cùng chi nhánh tính phí khoảng 8.800 đồng/giao dịch.
Trường hợp chuyển cùng hệ thống nhưng khác chi nhánh, phí sẽ theo số tiền chuyển. Còn chuyển khác hệ thống, theo ông Giang, số phí là rất cao.
Chẳng hạn ông vừa chuyển hơn 473 triệu đồng để thanh toán tiền hàng, phí đến 213.616 đồng, "trong khi NH khác thu chỉ 11.000 đồng", ông Giang bức xúc.
Chưa kể, do ông thu tiền mặt, nộp vào tài khoản và chuyển đi trong thời gian chưa tới hai ngày nên ông bị NH thu thêm phí kiểm đếm gần 123.000 đồng.
"Yêu cầu khách hàng duy trì số dư trong tài khoản hai ngày là bắt chẹt khách hàng vì kinh doanh phải xoay vòng tiền liên tục, ít ai duy trì tiền đến hai ngày" - ông Giang nói.
Trước đó, nhiều khách hàng khác cũng bức xúc về cách thu phí "kép" này, đặc biệt khi phí kiểm đếm không được thu ngay mà vài ngày sau ngân hàng mới truy thu. Tuy nhiên ngân hàng S. trả lời rằng chính sách là... không thu phí ngay. Nếu khách hàng duy trì số tiền trong tài khoản hai ngày, ngân hàng sẽ miễn phí kiểm đếm.
Ông Giang không phải là trường hợp cá biệt. Chị Minh, khách hàng một ngân hàng cổ phần lớn khác, cũng bức xúc vì cho rằng bị thu phí vô lý khoản phí báo nhận chuyển tiền qua thẻ Mastercard với mức thu lên đến 50.000 đồng/giao dịch.
"Tôi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng khác để thanh toán số tiền đã sử dụng của thẻ tín dụng trong tháng thế mà vẫn bị thu phí rất cao trong khi các ngân hàng khác đều miễn phí khoản này. Thực tế, tiền đã được chia sẻ từ đầu ngân hàng chuyển tiền với mức 1.500 - 2.000 đồng/giao dịch" - chị Minh nói.
Phí thấp, siết hạn mức rút tiền ngoại mạng
Liên quan khoản phí rút tiền ATM nội mạng mà các ngân hàng vừa tăng hoặc cho biết sẽ tăng trong những ngày tới, do khoản phí rút tiền ngoại mạng thấp (so với giá vốn các ngân hàng tính toán lên đến 9.000 đồng/giao dịch), nhiều khách hàng cho rằng các ngân hàng đã dùng thủ thuật để đối phó.
Chị Bảo Vy (Bình Thạnh) nói vừa qua các ngân hàng than mức phí ngoại mạng 3.000 đồng/giao dịch (chưa tính thuế) quá thấp, đặc biệt khi phải chia sẻ với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia VN (Napas) 1.350 đồng/giao dịch nhưng trên thực tế các ngân hàng đã tìm cách giới hạn số tiền tối đa mà khách hàng có thể rút ngoại mạng ở mức 3 triệu đồng/lần để có thể thu được nhiều phí hơn.
Chẳng hạn, nếu muốn rút 10 triệu đồng thì phải chia thành 4 giao dịch và trả phí 12.000 đồng (chưa thuế).
Với rút tiền nội mạng, do mức thu phổ biến hiện nay là 1.000 đồng/giao dịch (chưa tính thuế) nên nhiều ngân hàng cũng giới hạn mức tiền tối đa có thể rút ở mức 5 triệu đồng/lần dù đã có NH nâng lên 10 triệu đồng/lần từ lâu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn tại TP.HCM thừa nhận thiết kế hiện nay ATM có thể nhả khoảng 30-35 tờ tiền/lần.
Như vậy, nếu mệnh giá tờ tiền là 500.000 đồng, ngân hàng có thể chi tối đa 15 triệu đồng/giao dịch.
Nhưng do phí thấp nên ngân hàng thường giới hạn ở mức "phổ thông" là 5 triệu đồng/giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng/giao dịch ngoại mạng. Có NH "rộng rãi" hơn thì cho chủ thẻ rút nội mạng tối đa 10 triệu đồng/lần.
Thu phí để "bù đắp"
Về câu chuyện phí, một lãnh đạo BIDV cho rằng cần giải pháp đồng bộ. Theo vị này, do giá vốn một giao dịch rút tiền lên đến 9.000 đồng nên chỉ tăng phí từ người dùng là không đủ mà cần sự chia sẻ, phải thu thêm mức phí từ ngân hàng phát hành thẻ.
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cũng cho rằng để cân bằng câu chuyện phí giữa ngân hàng và khách hàng là bài toán khó.
Ngân hàng sau một thời gian đầu tư hạ tầng và thu hút được lượng người dùng ổn định sẽ tìm cách thu lại phí để "bù đắp". Trong bối cảnh tội phạm thẻ tăng cao, ngân hàng cần nguồn chi phí lớn để bảo mật.
Theo ông Thoại, phải tính lại những điểm bất hợp lý, như tỉ lệ chia sẻ phí giữa NH phát hành thẻ và ngân hàng thanh toán, giữa ngân hàng thanh toán và Napas, tránh chuyện ưu tiên khách nội mạng hơn khách ngoại mạng.
Quan trọng nhất là hướng đến đầu tư các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhưng tốn ít chi phí hơn, như ví điện tử, thanh toán QR code.
"Khi đông người dùng các hình thức thanh toán trên, ngân hànggiảm được đầu tư máy ATM, tiếp quỹ, mức phí cũng được giảm" - ông Thoại nói.
Choáng váng
Anh Đức Thịnh (Q.3, TP.HCM) cho hay vừa qua khi tham khảo biểu phí dịch vụ internet bankinng của một ngân hàng, anh choáng váng vì chỉ với dịch vụ này, ngân hàng có thể thu nhiều loại phí khác nhau như phí duy trì dịch vụ với mức 40.000 đồng/giao dịch mỗi quý, tương đương 160.000 đồng/năm.
Nếu người dùng cập nhật hạn mức ngân hàng cũng thu thêm phí.
"Đáng nói nhất là ngân hàng tính quá kỹ, chia ra làm hạn mức thông thường và hạn mức cao. Nếu cập nhật hạn mức thông thường ngân hàng thu thêm 10.000 đồng/lần, trường hợp cập nhật hạn mức cao, từ 1 tỉ trở lên thì ngân hàng thu thấp nhất 150.000 đồng/lần, cao nhất 500.000 đồng/lần. Nếu hủy dịch vụ bị thu 50.000 đồng... Khách hàng sử dụng xác nhận mã OTP qua thiết bị token (mật khẩu động) bị thu 200.000 đồng/thiết bị. Nhiều ngân hàng khác lại rất "khôn" khi trong mỗi dịch vụ lại chia thành các khoản nhỏ để có thể "khai thác" thêm nhiều khoản phí từ khách hàng" - anh Thịnh nêu.
Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)