Tiềm năng lớn
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng bình quân của tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2010-2020 là 33,7%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn nền kinh tế chỉ đạt 17,3%.
Dư nợ cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống, tính đến cuối năm 2020, đạt 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính cho vay tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, với hơn 30 triệu lượt khách hàng được phục vụ.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, tín dụng tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tài chính tiêu dùng đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân, khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải ngay lập tức, tín dụng tiêu dùng giúp nhóm đối tượng dưới chuẩn - là những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp - khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện.
Bằng cách này, các công ty tài chính tiêu dùng đã giúp đẩy mạnh quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam với các hộ gia đình, các chủ thể yếu thế trong nền kinh tế. Đặc biệt, là động lực thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, thúc đẩy tăng trưởng GDP, hạn chế được nạn tín dụng đen, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội...
Bên cạnh đó, việc phát triển tài chính tiêu dùng còn góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, có thu nhập không cao, các tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, giúp họ quản lý tốt hơn tài chính cá nhân.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận xét, hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua có sự phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ có dư nợ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc,... với tỷ trọng từ 15-35%/tổng dư nợ. Có thể nói, tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn.
10 năm qua, tài chính tiêu dùng với trụ cột là tín dụng tiêu dùng đã phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.
Quản quá chặt
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này. Về quy định pháp luật về cho vay, luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, số lượng công ty tài chính trong 10 năm qua gần như không thay đổi. Tính đến nay, vẫn chỉ có 16 công ty tài chính, trong đó nhiều không ty không cho vay tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng (không tính các ngân hàng thương mại) chủ yếu tập trung vào 3 công ty tài chính là FE Credit, Home Credit và HD Saison. Cạnh tranh trên thị trường không cao và lãi suất cho vay khó giảm. Hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, tín dụng đen không những không suy giảm, mà còn gia tăng ngày càng trầm trọng, với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm % mỗi năm.
Luật sư Đức cho rằng do bị quản lý quá chặt ên cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính gặp nhiều rủi ro, lãi suất không giảm và thị trường tiềm năng nhưng không hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia. Cần thay đổi và cởi bỏ những rào cản cho tín dụng tiêu dùng phát triển. Không nên có những quy định hạn chế về trần lãi suất, hay không cho phép các công ty tài chính tiêu dùng được phép phá sản và can thiệp quá sau vào hoạt động cho vay tiêu dùng.
Với các công ty tài chính, hiện cho vay tiêu dùng 100% là tín chấp, vậy thì đòi nợ thế nào. Khác với cho vay thế chấp, nếu không gọi điện thoại thì cho vay tín chấp làm sao đòi nợ được. Tuy nhiên, những quy định về đòi nợ quá chặt khiến cho nhiều khoản vay chịu rủi ro. Rủi ro cao thì lãi suất cho vay khó có thể hạ thấp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận, tài chính tiêu dùng, xét về nhu cầu thì người dân đã có từ rất lâu và lợi ích rất nhiều. Vì vậy, nên để dịch vụ tài chính tiêu dùng phát triển tự nhiên, thuận theo nhu cầu thị trường mới mang lại thành công. Nhà nước kiểm soát chặt mô hình này sẽ làm cho các tổ chức chính thức phải chịu thiệt thòi, trong khi các tổ chức phi chính thức càng lợi dụng phát triển, khó ngăn chặn.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)