Từ số tiền cho vay ra nói trên, các ngân hàng đã thu về tổng cộng 650.842 tỷ đồng từ lãi cho vay khách hàng.
3 ngân hàng dẫn đầu về cho vay lần lượt là BIDV, VietinBank và Vietcombank đồng thời cũng là những ngân hàng dẫn đầu về thu lãi cho vay khách hàng.
Cụ thể, cho vay khách hàng là cá nhân và các tổ chức kinh tế tại BIDV trong 9 tháng đầu năm là 1,6 triệu tỷ đồng, trong khi ngân hàng thu về 103.000 tỷ đồng từ lãi cho vay.
VietinBank cho vay ra 1,368 triệu tỷ đồng, trong khi thu về 87.800 tỷ đồng tiền lãi cho vay.
Với Vietcombank, số tiền cho vay ra là 1,175 triệu tỷ đồng, thu về 70.784 tỷ đồng tiền lãi cho vay.
Tuy nhiên, với những ngân hàng còn lại, không phải ngân hàng nào giải ngân cho vay nhiều là sẽ dẫn đầu về thu lãi cho vay khách hàng.
Chẳng hạn như Ngân hàng MB đứng thứ tư về cho vay khách hàng với hơn 504 nghìn tỷ đồng, nhưng lại đứng thứ 7 về thu lãi cho vay, đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng.
Techcombank đứng thứ 6 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết về lượng giải ngân cho vay khách hàng (455.000 tỷ đồng), nhưng chỉ đứng thứ 9 về thu nhập lãi cho vay (31.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, VPBank đứng thứ 8 về doanh số cho vay khách hàng (428.000 tỷ đồng), nhưng lại đứng thứ 6 về thu nhập lãi cho vay (38.000 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, với tính chất là một ngân hàng quy mô nhỏ, Bac A Bank, ABBank, Viet A Bank, VietCapital bank, NCB, KienLongBank, PG Bank, và Saigonbank là những ngân hàng có lượng cho vay khách hàng dưới 100 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Trong đó Saigonbank chỉ cho vay ra hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm), PG Bank chỉ cho vay ra 30.500 tỷ đồng (tăng 5%).
Tính đến 30/9, tổng lượng tiền gửi của khách hàng tại 27 ngân hàng thương mại cổ phần đạt hơn 9,22 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank lần lượt dẫn đầu toàn ngành về lượng tiền gửi của khách hàng.
Cụ thể, lượng tiền gửi tại BIDV là 1,567 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Tại Vietcombank là 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%, và tại VietinBank là 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm.
Trong khi đó, Sacombank là nhà băng huy động được nhiều tiền nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân, đạt 507.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank, HDBank, LPBank, và VIB. Đó là những ngân hàng có số dư tiền gửi đạt từ 200.000 tỷ đồng trở lên.
TPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng âm về tiêu chí này khi lượng tiền gửi 9 tháng đầu năm đạt hơn 193.000 tỷ đồng, giảm 0,6%.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)