2 ngân hàng tăng lãi suất
Trong tháng 10, 25 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó 10 ngân hàng điều chỉnh 2 lần. VietBank, Viet A Bank, Bac A Bank giảm tới 3 lần.
Ngược lại, hai ngân hàng tăng là GPBank và MSB. Đáng chú ý, MSB tăng tới 0,7 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, đồng loạt lên mức 6,2%/năm.
Sau 2 lần điều chỉnh, LPBank có biên độ giảm lớn nhất, lên tới 1,2%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, 1,1%/năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,8%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Đứng thứ hai là Dong A Bank và Nam A Bank. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại hai nhà băng này đều giảm 0,7%/năm. Với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, Dong A Bank giảm 0,7%/năm, Nam A Bank giảm 0,6%/năm.
Tiếp theo, các nhà băng cùng giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 9 tháng ở mức 0,6%/năm gồm có Bac A Bank, NCB, CBBank, VietBank, Viet A Bank.
Các ngân hàng trên cũng thuộc nhóm giảm lãi suất mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng với mức giảm từ 0,5 – 0,6%/năm.
Trong khi đó, Agribank, Eximbank, OCB, KienLongBank hay OceanBank không điều chỉnh lãi suất huy động trong suốt tháng 10. Ngay cả MSB, một trong hai ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động kỳ hạn 15 – 36 tháng, nhưng cũng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn từ 1 – 13 tháng suốt cả tháng qua.
Tháng 10 cũng chứng kiến thêm một số ngân hàng đưa lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn về dưới 6%/năm.
Hiện chỉ còn duy nhất PVCombank duy trì lãi suất 6%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng.
Đến cuối tháng 10, chỉ còn 6 ngân hàng duy trì 6%/năm kỳ hạn 12 tháng, bao gồm CBBank, Viet A Bank, PVCombank, BaoVietBank, Sacombank và OceanBank.
Trong đó, lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn này là 6,2%/năm (PVCombank và Sacombank).
Đối với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 18 ngân hàng duy trì lãi suất từ 6%/năm trở lên. Trong đó mức lãi suất cao nhất là 6,5%/năm (HDBank và PVCombank).
Lãi suất sẽ đi về đâu trong tháng 11?
Mặt bằng lãi suất dường như thấy đáy sau khi số lượng ngân hàng giảm cũng như biên độ giảm trong tháng 10 thấp nhất trong 3 tháng qua. Thậm chí, lãi suất huy động còn có dấu hiệu tăng ở một số kỳ hạn như tại GPBank và MSB.
Trong tháng 9, thị trường ghi nhận tới 33 ngân hàng giảm lãi suất. Trong đó, 12 ngân hàng giảm 2 lần, hai ngân hàng giảm 3 lần và một ngân hàng giảm tới 4 lần.
Còn trong tháng 8, 34 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó có 9 ngân hàng hai lần giảm, 3 ngân hàng 3 lần giảm, 4 ngân hàng có 4 lần giảm, 2 ngân hàng giảm 5 lần, riêng Eximbank có tới 6 lần giảm.
Nhiều khả năng các ngân hàng sẽ không còn đua giảm lãi suất huy động trong tháng 11 này bởi thanh khoản không còn dư thừa như trước do yếu tố mùa vụ.
Nhất là khi NHNN liên tục hút ròng thông qua kênh phát hành tín phiếu. Riêng trong tuần vừa qua, nhà điều hành tiếp tục phát hành tín phiếu với khối lượng tăng dần về cuối tuần trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ổn định.
Kết thúc tuần, 25.500 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đã được phát hành thêm ở lãi suất 1,45% (không thay đổi so với cuối tuần trước).
Với 73.800 tỷ đồng đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống 193.300 tỷ đồng từ mức 241.000 tỷ đồng.
Trong tuần này sẽ ghi nhận thêm 46.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng lên mức 2,8% vào phiên giao dịch thứ 4 tuần trước và hạ nhiệt về 1,6% vào cuối tuần qua.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)