Không thể tự đăng ký xác thực sinh trắc học tại nhà, nhiều khách hàng tới quầy giao dịch nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ. Theo ghi nhận của VietNamNet, tại BIDV Chi nhánh Nam Hà Nội sáng (2/7), chi nhánh này đã phải cắt cử thường trực từ 5-6 nhân viên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học.
Tuy nhiên, do không thể cùng lúc đáp ứng nhu cầu của số đông nên một số giao dịch viên tại quầy cũng tham gia vào việc hỗ trợ khách hàng. Thậm chí ngay cả cán bộ an ninh tại chi nhánh này cũng phải "nhập cuộc".
Thông thường mỗi khách hàng sẽ phải chờ đợi từ 30-45 phút để hoàn tất quá trình đăng ký.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đăng ký thành công ngay cả khi điện thoại có thể đọc được dữ liệu chip CCCD. Lỗi phổ biến người dùng thường gặp phải được nhân viên BIDV gọi là “lỗi 1003”, còn gọi là lỗi gián đoạn.
“Do có quá nhiều người đăng ký cùng lúc nên hệ thống bị gián đoạn do quá tải. Với những trường hợp này khách hàng được hướng dẫn về nhà tự cài sau khi hệ thống đã giảm tải”, nhân viên ngân hàng cho biết.
Loay hoay một hồi nhưng bị lỗi gián đoạn, bà Hương, một khách hàng của BIDV, được nhân viên hướng dẫn về nhà tự cài đặt, sau khi lấy số điện thoại của nhân viên nhà băng để phòng khi cần hỗ trợ.
Ông Nguyễn Huy Sĩ, một khách hàng khác của BIDV, cho biết điện thoại di động Samsung A7 không thể đọc được dữ liệu NFC trong khi nhà băng cũng không thể hỗ trợ với loại thiết bị này. Do đó, ông chỉ còn cách duy nhất là... thay điện thoại mới.
Tuy nhiên, một số dòng điện thoại dù không đọc được dữ liệu NFC nhưng vẫn có thể được nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt thành công.
Chẳng hạn như với một số khách hàng dùng điện thoại Redme, Xiaomi,… khách hàng không cần vào app trên điện thoại mà chỉ cần đưa CCCD có gắn chip cho nhân viên. Nhân viên ngân hàng sẽ thu thập dữ liệu CCCD từ chính thiết bị của ngân hàng, sau đó tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học bằng khuôn mặt của khách hàng.
Nhưng công đoạn lấy dữ liệu khuôn mặt khách hàng cũng đầy "hên xui", một số trường hợp tưởng chừng như đã hoàn tất công đoạn cuối cùng này, nhưng hệ thống lại báo không ghi nhận.
Khi đó, nhân viên ngân hàng sẽ lại phải thực hiện lại từ đầu thao tác này. Việc lấy dữ liệu và đăng ký chỉ hoàn thành khi hệ thóng ghi nhận và xác nhận “hoàn thành”.
“Ngày hôm nay chúng tôi chỉ hỗ trợ đăng ký cho những khách hàng có thiết bị di động không đọc được chip. Còn những khách hàng có thiết bị đọc được chip thì chúng tôi sẽ hướng dẫn họ về nhà tự cài đặt”, nhân viên BIDV cho biết.
Tại chi nhánh của VPBank Khu đô thị Bắc Linh Đàm, khách hàng nườm nượp tìm đến để được hỗ trợ cài đặt. Cộng với cả những khách hàng đến thực hiện các giao dịch khác, tạo nên một cảnh tượng đông đúc hiếm gặp tại chi nhánh này.
Tại đây, tình huống trớ trêu là khách hàng có sim Viettel hay Mobifone được ngồi lại trong phòng có sóng di động để quét dữ liệu, những khách hàng dùng mạng Vinaphone được mời ra… ngoài đường mới có thể thực hiện thao tác này do sóng bên trong nhà quá yếu.
Do đó, hầu hết khách hàng phải chờ đợi từ 2-3 tiếng, thậm chí có người phải dành nguyên cả buổi sáng để được đăng ký sinh trắc học. Một số người ra lấy số thứ tự rồi tranh thủ chạy đi làm việc khác, sau đó mới quay lại nhưng vẫn chưa tới lượt.
Tại Vietcombank Chi nhánh Hoàn Kiếm, đến thời điểm 11h15 nhưng vẫn còn gần 10 khách hàng kiên nhẫn ngồi đợi được hướng dẫn. Từ thời điểm này trở đi, khách hàng mới đến được nhân viên hướng dẫn đăng ký số thứ tự và hẹn… đầu giờ chiều quay lại.
Mặc dù vậy, theo quan sát của phóng viên, nhân viên các ngân hàng nói trên đều tỏ ra niềm nở, tận tình hỗ trợ khách hàng.
Chị Vân Anh (Hà Nội) cho hay, sáng nay chị tìm đến Vietcombank Chi nhánh Thành Công để được hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. Tại đây, chị gặp cảnh tượng khách hàng đông nghịt, hầu hết đều đến đây do không thể tự cài đặt. Sau một hồi chính nhân viên ngân hàng loay hoay, tất cả cùng ra về vì không ai làm được. Khách hàng được khuyên về tự làm lại.
“Khi tôi đến thì thấy một số người ra về, họ nói không thể làm được”, chị Vân Anh kể. “Thế nhưng dù đông nhưng tôi vẫn cố ở lại chờ đến lượt. Cứ tưởng nhân viên ngân hàng họ có "thủ thuật" như thế nào giúp mình chắc chắn cài đặt thành công. Nhưng rồi họ cũng chỉ thực hiện các thao tác giống như mình làm ở nhà. Sau một hồi loay hoay thì thông báo “đã hết phiên” nổi lên. Nhân viên Vietcombank nói rằng có thể do đông người cùng đăng ký quá nên hệ thống chưa thể nhận diện”, chị Vân Anh chia sẻ.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)