Trong ngày 1/1, Chính phủ liên tiếp ban bành 2 nghị quyết 01 và 02 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
4 trọng tâm chỉ đạo điều hành 2019
Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành là:
Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.
Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Khuyến khích thanh toán phi tiền mặt với giao dịch nhà đất
Chính phủ vừa ban hành 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 ngày 1/1.
Một nhóm giải pháp quan trọng của Chính phủ là đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng trước quý III. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản.
Các bộ, cơ quan ban ngành cũng có nhiệm vụ khuyến khích người dân nhận lương hưu, trợ cấp, thanh toán tiền điện, học phí, viện phí, đóng phạt vi phạm hành chính qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Kế đến, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup)
Chính phủ xác định phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu tuyệt đối đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ các startup phát triển thị trường cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, làm “bà đỡ” cho các startup phát triển.
Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Nhóm giải pháp tiếp theo của Chính phủ là đẩy mạnh việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
Một trong số các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhóm giải pháp này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV năm nay.
Chính phủ đồng thời cũng yêu cầu không được phép tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định pháp luật. Những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm.
Một nhóm giải pháp khác là tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ cần hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trước tháng 6 và hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa trong năm 2019.
Vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN
Cuối cùng, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ phải tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm, theo dõi cải thiện các nhóm chỉ số theo mục tiêu đề ra.
Trong năm 2018, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật như xếp hạng môi trường kinh doanh được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc.
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế. Đối với khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa thể vào nhóm 4 nước dẫn đầu.
Vì vậy, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan trực thuộc phải coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, nỗ lực hơn để đạt mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới và vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN.
Theo Việt Đức (Tri Thức Trực Tuyến)