Mới đây, Chính phủ đã gửi báo cáo về báo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu và điện tới các đại biểu Quốc hội.
Tại sao lại lựa chọn mức tăng 8,36%?
Theo Chính phủ, ngày 29/1, Bộ Công Thương có báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 và đưa ra 3 phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến 30/3 để thực hiện.
Sau đó, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.864,44 đồng/kWh.
Theo Chính phủ, việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ 15 đến 30/3) là theo đề xuất của liên bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.
Ngoài ra, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.
Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 và cả năm nhằm đảm bảo CPI 2019 trong khoảng 3,3-3,9% (thấp hơn mức 4% chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).
Chính phủ cũng nhấn mạnh phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019. Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng.
Khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.
Giá điện không gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN
Nói về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, Chính phủ cho rằng theo đề án tổng thể sắp sếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.
Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
Việc thay đổi thang bậc tính giá điện, Chính phủ cho rằng điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Bậc giá nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện.
Cơ quan này cũng sẽ đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo quy định.
Xăng tăng thấp hơn mức tăng trên thế giới
Báo cáo về việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Chính phủ cho biết liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ bình ổn liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước. Cụ thể dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3 hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 đến nay (hết ngày 16/5) đã được thực hiện qua 09 kỳ điều hành. Trong đó, xăng E5 RON 92 có 1 lần điều chỉnh giảm (khoảng 515 đồng/lít), 4 lần điều chỉnh tăng giá (tổng cộng khoảng 4.416 đồng/lít) và 4 lần giữ ổn định giá.
Xăng RON95-III có một lần điều chỉnh giảm (khoảng 538 đồng/lít), 4 lần điều chỉnh tăng giá (tổng cộng khoảng 4.588 đồng/lít) và 4 lần giữ ổn định giá.
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5) tăng khoảng 17,2-27,1% so với đầu năm 2019. Như vậy, có thể thấy mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6-46,2%), thông qua sử dụng công cụ quỹ bình ổn.
Thời gian tới, Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)