Tại Hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" diễn ra sáng 21/9, ghi nhận trên Zing, ông Nguyễn Trung Sơn, đại diện doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) cho biết doanh nghiệp lỗ gần một tỷ đồng từ đầu năm đến nay vì chiết khấu thấp.
"Chỉ khi chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt... và trên 1.500 đồng/lít, doanh nghiệp mới có lãi", ông nói.
Ông Sơn tính toán với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì doanh nghiệp lỗ tương ứng khoảng 1.500 đồng/lít. Theo đó, với doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ lỗ rất nặng.
"Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không thể trụ nổi nếu tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng, bắt buộc phải đóng cửa", chủ doanh nghiệp này thừa nhận.
Cũng trong hội nghị, Dân Trí đưa tin, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng, cũng than thở doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn khi chiết khấu quá thấp hoặc 0 đồng.
Bà Sinh cho biết, cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Trong khi đó, doanh nghiệp bà hiện nhập tại kho Đức Giang (Hà Nội) với chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Sau đó, vận chuyển từ kho Đức Giang đến TP Yên Bái khoảng 450 đồng/lít. Chưa kể, các đại lý của doanh nghiệp bà Sinh lại cách TP Yên Bái khoảng 100-120km, đường sá vùng núi vận chuyển khó khăn.
"Chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Mức chiết khấu doanh nghiệp tính toán phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí cho doanh nghiệp", bà Sinh nói.
Theo bà Sinh, nhiều thời điểm hàng hóa nhập vào khó khăn, cơ quan quản lý thị trường đến thì yêu cầu không được đóng cửa. Bà đề nghị các cơ quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ chi phí, không yêu cầu lấy lãi, chỉ cần trả đủ chi phí cho người lao động.
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TMDV và Xây lắp Dầu khí - nêu ra một loạt khó khăn với doanh nghiệp xăng dầu hiện nay.
Cho rằng chính sách giá còn bất cập, bà Hường kiến nghị Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần đảm bảo được đủ các chi phí lưu thông của doanh nghiệp khi điều hành. "Tránh việc hạ giá để lấy thành tích nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp", bà Hường nói.
Cũng theo bà Hường, các doanh nghiệp khổ sở vì "giá xăng cứ hạ, chiết khấu vẫn bằng 0 đồng". Bà Hường mong rằng các đầu mối, phân phối cần có sự chia sẻ với các doanh nghiệp bán lẻ. Nếu cứ để bằng 0 đồng, bà gọi đó là "sự áp bức" và bất bình đẳng với các doanh nghiệp, đại lý xăng dầu.
Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi. Do vậy, theo bà Hường, không quyết định được vấn đề lợi nhuận, họ đang chịu thiệt hại nhất. Bà cũng kiến nghị không nên lùi thời gian điều chỉnh giá như thời gian qua.
Theo quy định hiện hành, thời gian điều chỉnh là ngày 1,11,21 hàng tháng. Song bà Hường cho biết, nhiều kỳ điều chỉnh bị lùi lại vì rơi vào ngày nghỉ lễ, Tết kéo dài đến 5,7 hoặc 9 ngày.
"Giá thế giới thay đổi hôm nay thì mai doanh nghiệp đầu mối lập tức thay đổi chiết khấu rồi. Vậy mà cơ quan quản lý nhà nước thì bao nhiêu ngày sau mới điều chỉnh", bà Hường nói điều hành như vậy làm cho thị trường méo mó.
Trước các thông tin cửa hàng xăng dầu "găm" hàng chờ tăng giá, nhiều doanh nghiệp tại hội nghị giải thích. Bà Nguyễn Thị Bích Hường khẳng định doanh nghiệp không "găm" hàng vì điều kiện bể chưa không cho phép. Thêm nữa, doanh nghiệp cho rằng "găm" hàng nếu bị cơ quan quản lý phát hiện sẽ thiệt hại rất lớn.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải - cùng "nỗi khổ" với nhiều doanh nghiệp khác khi chiết khấu quá thấp. Ông cho hay, từ tháng 7 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng, 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ.
"Trong khi doanh nghiệp càng bàn càng lỗ nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa", ông Hạnh nói.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông tin, Việt Nam đã sản xuất được 70-75% xăng dầu, nhập khẩu trên dưới 20% để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên 23 triệu m3 xăng dầu mỗi năm.
Ông Tuấn nói, thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
"Về vấn đề điều hành, chiết khấu xăng dầu, chúng tôi là đơn vị tham mưu chính sách. Bản chất cuối cùng của chính sách là thực tiễn, thực tiễn doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp thu, tham mưu điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thực tiễn phát sinh", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ở khía cạnh chu kỳ điều hành giá xăng dầu, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết: quan điểm tham mưu của Bộ Công Thương ở góc độ điều hành là phải có sự hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp tiêu dùng mặt hàng xăng dầu và người dân.
Thừa nhận chính sách khi thực thi ở đâu đó cũng còn các yếu tố chưa tiếp cận hết, đại diện đến từ Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến, tiếp tục tham mưu, điều chỉnh để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
PN (Nguoiduatin.vn)