CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường với những gợi ý về chiến lược và ý tưởng đầu tư trong tháng 5.
Cụ thể, theo báo cáo, TTCK Việt Nam đã bứt phá qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 ngay đầu Tháng 4 với lực đẩy mạnh mẽ từ nhóm vốn hóa lớn sau khi những câu chuyện hỗ trợ dần được công bố (đối với NVL, VIC, MSN, VPB, STB) hay những số liệu về tăng trưởng lợi nhuận vượt trội (đối với HPG, PNJ).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có một tháng giao dịch sôi động trước thông tin nhiều ngân hàng được thêm vào rổ chỉ số VN Diamond và KQKD Q1-2021 đầy tích cực. Ngoài ra, việc HOSE triển khai một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật đã giảm tải một phần tình trạng nghẽn lệnh kể từ ngày 12/4, và hỗ trợ đáng kể cho thanh khoản toàn thị trường cũng như tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo VDSC, việc mặt bằng giá cổ phiếu được đẩy lên nhanh trong thời gian ngắn cùng với việc những thông tin tích cực dần được hé lộ trong bối cảnh nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ đã kích thích hoạt động chốt lời.
Khi động thái chốt lời là hiện hữu ở phần lớn các nhóm cổ phiếu trong thời gian gần đây sau khi các thông tin về KQKD Q1-2021 lần lượt được công bố, cùng luồng thông tin được dự báo là hạn chế hơn, VDSC cho rằng NĐT sẽ cần phải lựa chọn cổ phiếu một cách kỹ lưỡng hơn trong Tháng 5 so với giai đoạn trước.
Mặc dù vậy, VDSC nhận thấy các số liệu vĩ mô vẫn đang tiếp nối đà phục hồi so với tháng trước (số liệu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 không phản ánh nhiều ý nghĩa do T4-2020 thực hiện giãn cách toàn xã hội), củng cố cho sự bền vững của tăng trưởng của nền kinh tế sau Covid-19.
Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,1% MoM; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư tăng 2,3% MoM; Chỉsố PMI của Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 54,7 điểm trong Tháng 4. Theo IHS Markit, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang chứng kiến tháng thứ tám tăng liên tiếp về tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu quốc tế cải thiện; Số lượng đơn đặt hàng mới cũng tiếp tục tăng đang cho thấy khách hàng sẵn sàng đặt các đơn hàng lớn với niềm tin vào sự bền vững của bức tranh tăng trưởng hiện tại. Trong khi đó, CPI T4-2021 giảm 0,04% MoM, và bình quân 4T đầu năm chỉ tăng 0,89% YoY, cho thấy áp lực lạm phát vẫn chưa lo ngại và môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì.
Điều này, theo VDSC, là yếu tố cốt lõi và nền tảng thuận lợi cho các doan nghiệp đầu ngành ghi nhận KQKD tích cực trong thời gian tới. Trong phạm vi các doanh nghiệp mà VDSC nghiên cứu, lợi nhuận ròng năm 2021 của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn dự phóng tăng trưởng khá tích cực, trong đó có thể kể đến các nhóm doanh nghiệp thuộc ngành BĐS dân dụng (+128% YoY), thép (+104% YoY), ngân hàng (+25% YoY), bán lẻ (+25% YoY), và CNTT (+21% YoY). Qua đó, VDSC tin rằng TTCK có thể chinh phục những mức điểm số cao hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.
VDSC cho rằng Tháng 5 sẽ là khoảng thời gian thích hợp để tái cơ cấu danh mục, và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để tích lũy/nắm giữ những cổ phiếu được dự báo có thể kéo dài đà tăng trưởng lợi nhuận vượt trội sang các quý tiếp theo của năm 2021 và năm 2022 nếu như có mục tiêu nắm giữ dài hơn.
Theo đó, VDSC khuyến nghị NĐT tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu HPG, PNJ, LHG, MWG, VCB, ACB, TCB và DXG. Ở chiều ngược lại, VDSC cho rằng NĐT có thể cân nhắc hạ tỷ trọng đối với PPC do kỳ vọng về mức chi trả cổ tức đột biến đã được phản ánh sau kỳ ĐHCĐ vừa qua của doanh nghiệp; Khuyến nghị tương tự cũng được áp dụng đối với cổ phiếu DPM khi số liệu KQKD Q1-2021 không đạt kỳ vọng trong khi triển vọng cho Q2-2021 được dự báo kém khả quan do (1) DPM sẽ dừng sản xuất để bảo dưỡng máy móc trong khoảng một tháng và (2) diễn biến giá bán bất lợi hơn so với giai đoạn trước. Cuối cùng, VDSC khuyến nghị thêm vào đối với 4 cổ phiếu LTG, GMD, SMC, MSH.