Với ăm ắp những thông tin đáng quan ngại về COVID-19 tại Ấn Độ Lào, Campuchia, thậm chí Việt Nam có thêm những ca mắc mới, tuần này thị trường đang rơi vào tâm lý “ngưỡng thử” xu hướng tăng - giảm. Theo đó, nhà đầu tư cũng đang “cân não” mua vào hay bán ra trước dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5?
“Ngưỡng thử” có thể điều chỉnh giảm
“Tháng 5 bán chứng khoán và đi chơi” là câu nói giới đầu tư chứng khoán quá quen bởi thời điểm này thường gần kết thúc một mùa đại hội cổ đông, hết chia cổ tức và kết quả kinh doanh quý 1 cũng ra xong. Trước phiên biến động tuần trước, tuần này, tâm lý giới đầu tư đang đứng trước ngưỡng thử, thậm chí khá lo lắng hoang mang khi phiên 22/4 có cú rơi tới 40 điểm.
Tuy vậy, nhìn lại sau điều chỉnh mạnh phiên 22/4, VN-Index đã nhanh chóng khởi sắc lại trong phiên giao dịch 23/04. Dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào thị trường khi có đến 18/19 mã tăng điểm. Độ rộng thị trường tích cực và thanh khoản duy trì ở mức cao phản ánh tâm lý hưng phấn giao dịch. Đặc biệt, khối ngoại đã mua ròng trở lại trong cả hai sàn và góp phần vào đà tăng điểm của thị trường.
Nhìn nhận về thị trường tuần 26-29/4 này, CTCK Bảo Việt (BVS) dự báo với quán tính tăng điểm của phiên 23/4, thị trường có thể tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 1,255-1,268 điểm trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, chỉ số nhiều khả năng sẽ quay đầu giảm điểm trở lại khi tiếp cận vùng cản này.
BVS khuyên nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-35% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung hạn. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục. “Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn, có thể xem xét mở vị thế mua trading với các vị thế có sẵn nếu thị trường kiểm định lại vùng 1,200-1,220 điểm trong tuần tới”, BVS lưu ý.
Trong khi đó, CTCK Đông Á lại bày tỏ sự lo ngại và lưu ý: Tâm lý lo ngại về tình trạng căng margin khi báo cáo quý 1/2021 của các công ty chứng khoán cho thấy tổng dư nợ cho vay lên mức kỷ lục, thị trường mở cửa với sự thận trọng của bên mua, sau đó xảy ra hiện tượng bán tháo mạnh. Tin tức tốt về kết quả kinh doanh quý 1/2021 gần như đã phản ánh bão hòa vào giá cổ phiếu trong nhịp tăng vừa qua, khi mà VN-Index đạt được mức tăng 95 điểm (tương đương tăng 8%) chỉ sau 3 tuần giao dịch.
VN-Index có thể cán mốc 1.300 điểm trong quý 2
Về kỹ thuật, FPTS đánh giá VN-Index đang bước vào giai đoạn sóng 5 sau khi vượt kháng cự 1.200 điểm. Theo lý thuyết sóng Elliott, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng tới ngưỡng mục tiêu Fibonacci extension 61,8% mở rộng cho chu kỳ sóng 3 - tương ứng khu vực 1.300 điểm.
Theo đó, kịch bản VN-Index trong quý 2 được kỳ vọng sẽ là một nhịp điều chỉnh hoặc tích lũy nhẹ về quanh mốc 1.200 điểm và VN-Index sẽ có thể chinh phục mốc cao mới tại 1.300 điểm sau đó.
Tiền vẫn xoay vòng chờ
Trong khi câu chuyện tháng 5 lo lắng còn chưa có rõ ràng thì công ty chứng khoán FPTS vừa đưa ra đánh giá triển vọng thị trường quý 2/2021 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo FPTS, trong quý 2, chỉ số VN-Index có thể chinh phục mốc cao mới tại 1.300 điểm sau khi điều chỉnh, tích lũy quanh mốc 1.200 điểm.
Theo FPTS, dựa trên biến động về tài khoản mở mới và giá trị giao dịch toàn thị trường, có thể thấy rằng sự tập trung của dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán vẫn đang ở mức rất cao tính cho nhiều năm trở lại đây.
Tính riêng trên sàn HSX, giá trị giao dịch bình quân đã tạo lập mức đỉnh cao 17.200 tỷ đồng/ phiên trong tháng 1/2021. Tính bình quân cho quý 1/2021, giá trị giao dịch trung bình theo phiên đã được đẩy lên trên mức 15.700 tỷ đồng, tăng trưởng 58,94% so với quý 4/2020.
Mặt khác, trong quý 1/2021, dòng tiền giao dịch tiếp tục có dấu hiệu tập trung hơn về các ngành nghề có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường trên quy mô vốn hóa như Tài chính, Bất động sản, Năng lượng…Điều này là một trong những yếu tố được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường tăng giá trong ngắn hạn.
FTPS cho rằng các yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ tâm lý trong quý 2/2021 sẽ bao gồm: VN-Index bứt phá ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và củng cố nền giá cao mới; sàn HSX có thể sớm giải quyết được tình trạng "nghẽn lệnh". Theo FPTS, tâm lý chiều mua nếu được "giải phóng" sẽ bao hàm ý nghĩa hỗ trợ về sức bền của xu hướng tăng trong trung dài hạn do dòng tiền được giữ lại và xoay vòng trong thị trường.
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)