Ông Bùi Quốc Dũng Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định chỉ có những doanh nghiệp vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất mới bị cấm.
-Thông tư 24, có 4 nhóm đối tượng vay ngoại tệ. Thứ nhất, là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa.
Thứ hai, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Hai nhóm đối tượng này không giới hạn về mặt thời gian.
Thứ ba, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Thứ tư, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Ba nhóm đối tượng đầu tiếp tục được vay như bình thường. Riêng với nhóm đối tượng thứ tư, nhóm này không phải do nhu cầu sử dụng ngoại tệ, mà vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, mục tiêu hưởng lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ thì thu hẹp.
Ông có thể giải thích rõ hơn việc thu hẹp nhóm đối tượng thứ tư?
-Như tôi đã nói, đối tượng này không có nhu cầu vay ngoaị tệ, mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Mục tiêu là muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.
Trước đây khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên để hỗ trợ cho doanh nghiệp, họ được vay. Giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi.
Vậy qui định về việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhóm đối tượng được thực hiện đến hết ngày 31.3.2016 tại Thông tư 24 có ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ sau này không?
-Nhóm đối tượng thứ tư như đã nói thực tế là nhóm đối tượng không có nhu cầu ngoại tệ mà chỉ vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, mục tiêu hưởng lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ. Như vậy, theo Thông tư 24, qui định về thời hạn đến 31.3.2016 với nhóm đối tượng này không tác động nhiều đến nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ ổn định tỉ giá, thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, các hoạt động cho vay ngoại tệ cần được hạn chế từng bước, phù hợp với định hướng chuyển dần quan hệ huy động, cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ, nhằm ổn định thị trường.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định, việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng nội tệ.