Một chuyên gia tài chính nói rằng về mặt pháp lý, tiền tiết kiệm được người dân đem gửi ngân hàng, bên cạnh mục đích lấy lãi còn là cách cất giữ tiền an toàn. Tuy nhiên, phải thừa nhận, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.
Con đường để 245 tỷ đồng tiền gửi của khách bốc hơi
Trước năm 2007, bà Bình đã giao dịch gửi tiết kiệm tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM). Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Toàn bộ các giao dịch với bà Bình từ trước đến đầu tháng 2/2017 đều do ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Bằng thủ đoạn này, ông Hưng nhiều lần qua mặt bà Bình, chiếm đoạt số tiền rất lớn của cá nhân này gửi ngân hàng trong một thời gian dài.
Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình phát hiện số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã bốc hơi nên khiếu nại Eximbank.
Qua nhiều buổi làm việc, giữa ngân hàng và khách hàng không tìm được tiếng nói chung, vụ việc được trình báo với cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam. Đồng thời, ngày 6/3/2017, Eximbank cũng chủ động gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Hưng đến cơ quan công an. Ngân hàng đề nghị xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, cũng như xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Bình và một số khách hàng có liên quan.
Tại sao nhà băng phải chờ quyết định của tòa mới bồi hoàn cho khách?
Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, bà Bình là khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của Eximbank từ năm 2011. Qua kiểm tra, phía Eximbank phát hiện ông Hưng bắt đầu có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng từ năm 2014, nhưng mãi năm 2017 thì vụ việc này mới bị phát giác. Vụ việc ông Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng đã quá rõ, và ông này đã trốn ra nước ngoài từ cuối năm 2016.
Đáng nói, thông báo từ cơ quan công an khẳng định các giao dịch liên quan đến khoản thiệt hại nêu trên của bà Bình đều có chữ ký thật của khách hàng này.
"Chữ ký trên giấy ủy quyền được giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp giả. Vì chữ ký trên các giao dịch là thật nên phía Eximbank chưa thể giải quyết các yêu cầu của khách hàng, mà phải chờ phán quyết của tòa án để có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý vụ việc", ông Quyết thông tin.
Trả lời báo Người Lao Động, bà Chu Thị Bình không chấp nhận phương án Eximbank chờ phán quyết của toà án mới trả lại tiền. Bà hỏi tại sao phải chờ quyết định của tòa án, khi mình là người gửi tiền vào ngân hàng và không làm gì sai trái?
“Tôi là chủ sở hữu các sổ tiết kiệm đến rút tiền, tại sao ngân hàng không chi trả? Giả sử tất cả người gửi tiết kiệm đồng loạt mất tiền do ngân hàng quản lý yếu kém phải chờ tòa án phân xử thì đến bao giờ chúng tôi mới rút được tiền?", bà Bình bức xúc
Nói về việc bồi hoàn cho khách hàng trong trường hợp này, luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Về nguyên tắc hợp đồng tín dụng này được ký kết giữa Eximbank và bà Chu Thị Bình chứ không phải giữa bà Bình và ông Lê Nguyên Hưng. Khi sự cố thất thoát tiền gửi xảy ra thì ngân hàng cần phải có phương án bồi hoàn cho khách hàng chứ không phải chờ đến phán quyết của tòa. Quyết định từ phía tòa án thực ra chỉ giải quyết vấn đề của vụ Eximbank kiện cá nhân ông Lê Nguyên Hưng”.
Quản trị tiền gửi lỏng lẻo?
Sau vụ việc này, ông Lê Văn Quyết cho biết Eximbank đã rà soát, kiểm tra toàn bộ khách hàng VIP, tăng cường giám sát mọi giao dịch, đặc biệt là khách hàng có liên quan đến ủy quyền giao dịch cho nhân viên ngân hàng. HĐQT, Ban điều hành Eximbank cũng đã nhìn nhận thiếu sâu sát trong việc quản trị rủi ro về tiền gửi; xử lý trách nhiệm các lãnh đạo, nhân viên liên quan đến vụ mất tiền của bà Bình.
Một trong những lý do khiến "người ngân hàng" chiếm đoạt tiền gửi của khách cũng từ khách hàng. Bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank TP.HCM, cho biết trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Bản thân bà Bình trong một số lần làm việc với Eximbank TP.HCM cũng thừa nhận do số tiền gửi lớn nên không muốn tiếp xúc với nhiều người.
Ngoài ra, cũng theo bà Tâm, ông Hưng đã công tác hơn 20 năm tại Eximbank, chưa từng xảy ra điều tiếng gì nên nhân viên tin tưởng. Ông Hưng lại là phó giám đốc chi nhánh và là người duy nhất trực tiếp giao dịch với khách hàng, giấy tờ thể hiện chữ ký thật nên không phát hiện được sai phạm.
Khủng hoảng chữ ký khống ở ngân hàng
Theo kết luận điều tra, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyên Hưng dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Chu Thị Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình.
Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, phải thừa nhận nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.
"Nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là 'chính chủ' hay không. Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát.
Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở ngân hàng như hiện nay", chuyên gia này cho biết.
Ông nói thêm các lý do đưa ra để biện minh cho việc khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng thực hiện vì quá bận hay chính ngân hàng tạo cơ chế giao dịch đặc biệt là khó chấp nhận. Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc thanh tra, nhằm siết lại quy trình và kỷ luật, quản trị tiền gửi tại các ngân hàng là việc cấp thiết được đặt ra.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)