Số lượng cây ngày càng ít, thời tiết không thuận lợi khiến giá cau tại các chợ ở Thái Bình vào những ngày cận Tết trở nên đắt đỏ, từ 2.000 đồng lên đến 10.000-15.000 đồng/quả.
Để chuẩn bị lễ cúng đêm giao thừa và sau này tiếp khách đến nhà chơi Tết, bà Lan (Thái Bình) vội vàng ra chợ mua một buồng cau tươi. Tuy nhiên, nhìn cả khu chợ chỉ có 2 hàng bán trầu cau nhưng quả nhỏ, mã xấu. “Người bán hét giá 10.000 đồng/quả và không bán theo buồng. Nhưng vì là công việc bắt buộc nên tôi vẫn phải nhắm mắt mua”, bà Lan chia sẻ.
Theo một số người bán cau tại chợ, do số lượng người trồng cau ngày càng ít, thời tiết không thuận lợi nên giá cau tăng dần vào cuối năm. Đặc biệt nhu cầu lễ bái, đi chùa vào những ngày cận Tết khiến cau tăng từ 5.000 đồng/quả lên 10.000 đồng/quả, loại đẹp là 15.000 đồng/quả.
|
Giá cau ngày Tết tại các chợ tăng khá mạnh, lên tới 15.000-20.000 đồng/quả so với mức 2.000 đồng/quả ngày thường. Ảnh: Ngọc Lan.
|
Bà Phượng, bán cau tại chợ Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Đầu năm nay, cau chỉ khoảng 2.000 đồng/quả, tuy nhiên, vào mùa cưới tháng 7-8 đến tháng giáp Tết giá cau tăng 4-5 lần. Thời điểm giá cau lên cao nhất là 20.000 đồng/quả”. Năm nay do nhuận 1 tháng nên cau nhà bà Phượng quả to, tròn và hơi chút ngả vàng. Một cây cau có 2 buồng, khoảng 600 quả, tính ra bà cũng thu về được hơn 1 triệu đồng.
Mọi năm, cây cau trước nhà chỉ trồng với mục đích làm cảnh, những thấy mấy ngày cận Tết giá đắt đỏ nên chị Hồng (Thái Bình) cắt ra chợ bán. Mặc dù quả còn non, nhỏ nhưng chị cũng bán được 7.000 đồng/quả: “Chỉ ngồi chợ một lúc là bán hết 2 buồng cau. Quả nhỏ nên tôi bán theo nhánh, mỗi nhánh 3-5 quả, giá cũng được 10.000-12.000 đồng. Tính ra 2 buồng cau non cũng thu về được nửa triệu đồng. Giá cao tăng mạnh, 1 quả cau đắt bằng 1 lạng thịt”.
Thấy cau được giá, không ít người cắt cả buồng quả non, thậm chí là hoa cau để bán. Một nhánh hoa cau nhỏ ngày thường chỉ 1.000-2.000 đồng nhưng mấy ngày nay lên đến 7.000-10.000 đồng. Loại hoa cau nguyên buồng giá khoảng 60.000-100.000 đồng/buồng.
Trước kia, cau được trồng phổ biến để phục vụ chủ yếu các cụ già ăn trầu. Tuy nhiên, cau cổ một năm thu một lần, loại tứ thời (1 năm có 4 mùa quả), mỗi lần khoảng 2 buồng, tính ra chỉ thu được vài chục nghìn nên nhiều người phá đi trồng cây ăn quả. Số ít nhà chỉ để làm cảnh hoặc sử dụng vào những dịp cúng lễ.
|
Giá hoa cau cúng Tết cũng tăng giá mạnh, lên 20.000 đồng/nhánh. Ảnh: Ngọc Lan. |
Cũng giữ lại 5 cây cau với mục đích làm kỷ niệm, ông Trường, người ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết: “Mấy năm trước, một số thương lái đi thu mua cau Thái Bình về nhà máy ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) để sấy khô, nghe nói xuất sang Trung Quốc làm kẹo. Giá khi đó chỉ khoảng 500-1.000 đồng/quả. Nhiều gia đình ồ ạt trồng cau tứ thời, tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, thương lái ngừng mua nên cau chỉ để chín già hoặc đem cho các cụ hàng xóm ăn trầu”.
Trước kia, ông Trường trồng khoảng 10 cây, nhưng do không mang lại kinh tế nên ông chỉ giữ lại một nửa để làm kỷ niệm. Thời điểm vào nửa cuối năm nay, giá cau tăng đột biến, vừa rồi ông bán 1 buồng cau gần 400 quả to cho một đám hỏi với giá 1,5 triệu đồng.
Là người theo đạo Phật nên năm nào chị Dư (Thái Bình) cũng phải chuẩn bị 3 buồng cau để thắp hương, lễ chùa vào Tết và dịp đầu năm. Tuy nhiên, năm nay hàng cau rất ít, hiếm quả đẹp, giá cao nên chị phải tiết giảm để bớt chi phí. Với nhu cầu cúng lễ chùa chiền đầu năm, chị Dư dự tính thời điểm đầu năm giá cau có thể sẽ còn tăng cao hơn so với thời điểm Tết.
>> Sáng 30 Tết hoa trái “xả hàng”
>> Rau rẻ như bèo, nông dân "bỗng dưng muốn khóc"
Theo Ngọc Lan (Zing.vn)