Cấp bách phòng cháy, người dân lại đổ xô mua mặt nạ, thang dây

18/06/2024 11:13:28

Những vụ cháy xảy ra liên tiếp tại Hà Nội, nhiều người lại đổ đi mua thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) như mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm, bình chữa cháy mini,... phòng khi cấp bách.

Những vụ cháy xảy ra liên tiếp gần đây tại Hà Nội, như trên phố Trung Kính (Cầu Giấy), Định Công Hạ (Hoàng Mai),... gây hậu quả thương tâm người và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Lo lắng, đề phòng hỏa hoạn, người dân lại đổ xô đi mua thiết bị PCCC, đặc biệt với ở những hộ dân sống ở chung cư, nhà ống, nơi có mật độ dân số đông như nhà trọ, nhà cho thuê...

Ghi nhận trên phố Yết Kiêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có rất nhiều cửa hàng bán thiết bị phòng cháy chữa cháy, lượng người đến mua tăng đáng kể. 

Ông Bắc - chủ một cửa hàng bán thiết bị PCCC trên phố này, cho hay, từ đầu năm đến nay, nhất là khi bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, người dân đến cửa hàng để mua thiết bị phòng cháy chữa cháy càng nhiều. Những mặt hàng chủ yếu được chọn là mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy, thang dây thoát hiểm,...

Cấp bách phòng cháy, người dân lại đổ xô mua mặt nạ, thang dây
Mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy... là các mặt hàng bán chạy tại các cửa hàng. Ảnh: Tiến Anh

Nhu cầu mua tăng khiến một số mặt hàng như bình chữa cháy nhiều thời điểm rơi vào tình trạng hết hàng.

Theo khảo sát của PV, mặt hàng mặt nạ phòng độc giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/chiếc, có công dụng chống khói độc trong vòng 30-40 phút; thang dây giá từ 80.000 đồng/m... 

Theo chia sẻ của chủ cửa hàng, gần đây rất nhiều chủ các nhà trọ hoặc những người kinh doanh dịch vụ như quán karaoke, khách sạn, nhà hàng,... tới mua loại mặt nạ giá 150.000 đồng. Tuy nhiên, những chiếc mặt nạ giá rẻ chỉ chống được khói độc trong khoảng 30 phút và vải cũng rất mỏng, dễ gây tổn thương da. 

Một chủ cửa hàng khác trên phố Yết Kiêu nhận xét, có nhiều khách quen là chủ các nhà trọ 3, 4 tầng. Họ đã trang bị mỗi tầng 5-6 bình chữa cháy, nhưng mới đây ra mua thêm 10 bình nữa để ở tầng 1 cho yên tâm.

Chị Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể rằng từ tuần trước, chị đặt mua tại cửa hàng này nhiều thiết bị PCCC. Trong đó, có một số thiết bị cửa hàng không có sẵn, hơn nữa giá thành lại cao như giày chống cháy giá gần 1 triệu đồng/đôi, găng tay chống cháy hơn 700.000 đồng/đôi,... Do đó, khách hàng muốn mua phải hẹn trước.

Cấp bách phòng cháy, người dân lại đổ xô mua mặt nạ, thang dây - 1
Mặt nạ phòng độc giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/chiếc. Ảnh: Tiến Anh

Trên một số diễn đàn online, các bài viết rao bán thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng sôi động, giá có phần "dễ chịu" hơn so với mua tại cửa hàng, nhưng chất lượng và nguồn gốc xuất xứ là điều không ai có thể đảm bảo. 

Các gia đình kinh doanh đồ điện, đồ điện tử, điện máy,... cũng cảm thấy lo lắng và cho hay sẽ kiểm tra lại việc phòng cháy chữa cháy trong gia đình, tại cửa hàng hoặc cơ sở kinh doanh. Tài khoản Nguyen Vu viết: “Nhà tôi kinh doanh đồ điện tử nên sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguy cơ sinh nhiệt tại khu vực kinh doanh, sản xuất”. 

Chủ một cửa hàng điện tử trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết từ giờ phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu dao tự động, tách riêng các nguồn điện...

Ngoài chuẩn bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, tài khoản Quang Tran Van cho rằng nên xây ít nhất hai lối thoát nạn an toàn. Với các công trình liền kề như tại các khu dân cư đô thị, cần tính toán khả năng thoát nạn sang các căn hộ bên cạnh (thông qua cửa sổ, ban công). 

Bên cạnh đó, không nên bịt kín các ban công, sân thượng của các căn hộ bằng lồng sắt; trường hợp bắt buộc, nên thiết kế lối thoát hiểm cửa mở và cần tập huấn trước các tình huống cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, nên lắp các thiết bị báo cháy thông minh, phòng khi hoả hoạn xảy ra khi cả nhà đang ngủ.

Theo Tiến Anh (VietNamNet)

Nổi bật