Rao một đằng, thực tế một nẻo
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giao dịch trên thị trường bất động sản gần như tê liệt vì không thể tổ chức các buổi lễ mở bán, khởi công,… nên hoạt động môi giới được đẩy mạnh trên các diễn đàn online. Từ cuối tháng Ba đến nay, trên các trang giao dịch bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán gấp chung cư, nhà phố, đất nền với lời chào mời hấp dẫn như “giá cả thấp hơn thị trường”. Đa số người đăng tin cho biết đang “chịu bán lỗ cả trăm triệu đồng vì khó khăn mùa dịch” hoặc “bán giá gốc để về quê trốn dịch”.
Chỉ cần gõ những từ khóa “cần tiền bán gấp”, “bán cắt lỗ sâu”, “bán giá thấp nhất thị trường”... do dịch Covid-19, thì lập tức có hàng ngàn đường link xuất hiện với mọi phân khúc khác nhau. Tuy nhiên, khi liên hệ vào số điện thoại rao bán thì rất nhiều thông tin sai lệch, các nhà giá rẻ hầu hết có sổ đỏ “3 chung” (3 nhà chung 1 sổ đỏ). Đáng nói, đa số mức giá mà người rao bán nhà đưa ra chỉ là giá ảo để “câu khách”, còn thực tế giá cao hơn nhiều. Rao chỗ quận này nhưng nhà ở quận khác “kế ngay bên” là lời giải thích thường gặp.
Đưa thông tin ảo, chào mời hấp dẫn vẫn là chiêu trò mà nhiều nhân viên môi giới dùng để lấy thông tin, số điện thoại của khách hàng. Như ông Trần Văn Dũng, 54 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM bức xúc kể lại việc “bị lừa” khi đọc được thông tin nhà phố quận 12, 1 trệt, 3 lầu giá chỉ 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án này còn có sổ hồng riêng, diện tích 60 m2 và chủ nhà bán gấp do công ty phá sản vì dịch Covid-19. Thế nhưng khi ông Dũng gọi điện thoại hỏi thì nhân viên môi giới cho biết đây là 4-8 nhà chung một sổ, diện tích thật chỉ 16 m2. “Có trường hợp khác là rao bán lỗ vốn đất TP.HCM nhưng khi gọi lại nói bán đất ở Long An, Đồng Nai. Đa số đều khác với tin rao ban đầu”, ông Dũng nói.
Hiện tượng chiêu trò này cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu chỉ ra khi đại diện hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định thị trường vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm khi lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4/2019, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Báo cáo của công ty JLL mới đây cũng cho thấy, trong quý 1/2020, giá bán căn hộ trung bình đạt 2.452 USD/m2, giảm 15% theo quý nhưng giá bán nhà liền thổ sơ cấp tăng lên 5.017 USD/m2 đất, tăng 37,7% so với năm 2019 và tăng 8,4% so với quý 1/2019. Ngay trong cùng dự án, giá vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ, tăng khoảng 4% so với quý trước đó. Việc tăng giá chủ yếu là do các dự án có giá thấp hơn mức trung bình đều đã bán hết khiến nguồn cung khan hiếm, giá tăng.
Đáng chú ý, theo thống kê của Batdongsan.com.vn, dù xu hướng tìm kiếm bất động sản đang giảm khá mạnh nhưng giá bán nhà đất tại TP.HCM vẫn đang ở mức cao. Tính đến nay, giá căn hộ tại TP.HCM vẫn neo ở mức trung bình hơn 44 triệu đồng/m2. Đất nền, nhà phố dù gặp khó khăn trong việc ra hàng, nhưng giá bán cũng không có dấu hiệu giảm.
“Với thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán hàng ra) do không có nhiều nguồn hàng nên mức giá đang rao bán sau Tết vẫn tương đương như quý 4/2019. Nhưng có một thực tế là thị trường đang đứng lại, gần như không có giao dịch”, đại diện công ty DKRA Việt Nam đánh giá.
Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM cũng nhìn nhận, nhu cầu mua sắm nhà ở đang giảm trong giai đoạn dịch bệnh, vì vậy, nhiều đơn vị môi giới phải kích cầu bằng cách “ăn theo trend” dịch Covid-19. Thị trường bất động sản trầm lắng, giá nhà đất được dự báo sẽ giảm do nhiều nhà đầu tư cần tiền nên muốn bán. Tuy nhiên, giảm mạnh nhất sẽ là phân khúc căn hộ, còn nhà phố, đất nền sẽ giữ ổn định hơn. Thực tế nói là giảm giá, cắt lỗ song thực tế chỉ là cắt phần lời, đưa giá nhà về giá trị thực so với thị trường chứ chủ đầu tư ít khi chấp nhận lỗ.
Thận trọng để tìm được giá trị đúng
Thừa nhận thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng theo các chuyên gia, hiện nay chưa thể xảy ra hiện tượng bán tháo, cắt lỗ với giá giảm sâu như quảng cáo, rao bán. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, giao dịch trên thị trường từ đầu năm đến nay giảm mạnh.
Từ sau Tết Nguyên đán, hiếm thấy dự án nào tăng giá bán, chủ yếu là giữ nguyên giá. Đa số các tin rao bán hiện nay đều câu khách bằng chiêu “bán giá thấp hơn thị trường, cắt lỗ, phá sản vì dịch bán rẻ” nhưng thực chất giá không thay đổi nhiều. Chỉ có một số trường hợp rất ít (khoảng 20%-30%) các nhà đầu tư bán ra chấp nhận giảm giá 2%-3% so với giá thị trường.
“Lý do giá giảm không nhiều là vì thị trường bất động sản có những đặc điểm riêng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, người mua từ đầu đã dự đoán cơ cấu tài chính và giá cả từ cuối năm 2019. Họ dự đoán được năm 2020 sẽ khó khăn. Cộng thêm sự ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà đầu tư chuyên nghiệp đã dự liệu được “độ chờ” của giá nên họ có thể chờ đợi 6-9 tháng, thậm chí đến hết năm nay mới bung hàng”, ông Quang nói.
Nhưng đối với các nhà đầu tư không chuyên, mua sang tay, lướt sóng ngắn hạn, dự trù xoay vòng vốn trong sáu tháng để kiếm lời thì sẽ bắt buộc phải bán ra. Bởi áp lực vay ngân hàng đến 70%-80% giá trị bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư phải bán thấp hơn 2%-3% để cắt áp lực trả. Tình hình này có thể kéo tới tháng Chín và tương đối có lợi cho người mua.
Còn ông Đinh Ngọc Tuân, Giám đốc công ty bất động sản Tài Tuân cho rằng, rất ít trường hợp bán nhà đất cắt lỗ, giảm giá “khủng” vì dịch bệnh cũng mới có hơn 2 tháng. Những lời rao bán chỉ từ một số nhà đầu tư muốn đẩy hàng đi sớm, “cắt lời” chứ không phải cắt lỗ. Bên bán ít, trái lại người mua cũng không nhiều vì khó khăn chung, không nhiều người sẵn tiền mặt để mua nhà đất lúc này.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, dù giá nhà giảm 5 – 10% trong thời điểm này thì chủ đầu tư vẫn có thể tạo ra lợi nhuận.
“Nói là giảm giá, “cắt lỗ” do dịch bệnh chưa chắc đã chính xác. Bởi vì, trước đây giá nhà tăng quá cao, nên trong thời điểm này dù có giảm nhưng đó lại là giá trị thật của sản phẩm. Và để tránh rơi vào “bẫy” của môi giới, người dân có nhu cầu mua nhà ở nên so sánh giá trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tham khảo xung quanh để tìm kiếm giá trị thật của mảnh đất hay ngôi nhà đặc biệt là tính pháp lý”, ông Đính nói.
Đưa ra góc nhìn tổng quát, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, thị trường đang bước vào giai đoạn hết sức khác thường. Tâm lý khách hàng và nhà đầu tư nhà đang xuống rất thấp. Thị trường bất động sản đã thiếu nguồn cung cho người có nhu cầu thật một cách trầm trọng, nay lại có thêm dịch bệnh Covid-19 làm mọi khách hàng dường như không muốn ra đường, tránh những nơi đông người và không có động lực để tìm hiểu về dự án.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng bởi các thông tin cắt lỗ thời điểm này. Bởi từ trước đến nay, không thiếu tình trạng môi giới “treo đầu dê bán thịt chó”, rao bán cắt lỗ để thu hút khách nhưng thực tế giá không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, đất nền hoặc các sản phẩm bất động sản khác nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ không có ý định giảm giá để kích cầu. Đó cũng là lý do vì sao giá một số phân khúc bất động sản không những không giảm mà còn có xu hướng tăng tại một số nơi.
"Hiện nay, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, người dân có niềm tin, dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi, tăng trưởng trở lại nên việc bán tháo lúc này là rất khó xảy ra".
ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Để giúp cho thị trường phát triển lành mạnh, ông Châu khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều phương thức hỗ trợ khách hàng như giảm giá, chiết khấu và coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
Theo H.N (Nguoiduatin.vn)