Cho vay 100 triệu đồng, lãi 40% mỗi tháng
Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, Việt Nam là quốc gia có lượng người chơi tiền ảo đông đảo. Sự ra đời của các hội nhóm tuyển “ref” lấy hoa hồng khiến số lượng người tham gia vào hình thức đầu tư mới mẻ này tăng lên nhanh chóng.
Xuất hiện từ tháng 11/2016, Bitconnect (BCC) được xem như tượng đài của dòng coin vay lãi MLM (Multi-level marketing). Đây là loại tiền ảo được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm góp vốn nhất.
Từ 0.5 USD mỗi BCC ở thời điểm mở bán ICO, giá BCC liên tục phá vỡ các kỷ lục. Ở thời kỳ cao điểm, mỗi BCC có giá 437 USD. Chỉ một năm sau khi xuất hiện, giá trị đồng Bitconnect đã tăng 874 lần.
Tốc độ tăng trưởng kinh ngạc của Bitconnect nhờ sự ra đời của chiến lược cho vay lấy lãi (lending). Đây cũng là đồng tiền đầu tiên áp dụng hình thức lending trong thế giới tiền mã hóa.
Bitconnect thúc giục nhà đầu tư mua đồng tiền của họ bằng Bitcoin. Sau đó, nhà đầu tư có thể cho hệ thống vay lại bằng chính những đồng BCC mua được. Giá trị khoản vay được quy đổi theo giá trị đồng BCC ở cùng thời điểm.
Giống như ở ngân hàng, các gói cho vay của BCC được ấn định theo kỳ hạn. Tuy nhiên, lãi suất được hệ thống trả theo ngày. Đổi lại, hết kỳ hạn cho vay nhà đầu tư mới được lấy lại gốc. Càng cho vay nhiều, kỳ hạn lấy gốc lại càng rút ngắn.
Đơn vị phát triển Bitconnect hứa hẹn trả lãi suất khoản vay từ 35-40%/tháng. Lãi suất bình quân nhà đầu tư nhận được khoảng 1% mỗi ngày. Nếu cho vay 1000 USD, nhà đầu tư sẽ nhận khoảng 350 USD mỗi tháng.
Trong thực tế, Bitconnect đã thành công trong việc duy trì hệ thống lending trả lãi của mình suốt một thời gian dài. Đây cũng là lý do mà có những lúc, giá trị vốn hóa thị trường của Bitconnect lên tới 2.7 tỷ USD.
Bitconnect là coin đa cấp, lấy tiền người sau trả lãi người trước
Từng được coi như một điểm sáng an toàn của giới đầu tư, mọi chuyện thay đổi kể từ khi Bitconnect ra thông báo ngừng cho vay trả lãi. Quyết định bất ngờ của “chủ coin” khiến các nhà đầu tư đổ xô bán tháo.
Tính đến hết phiên mở bán ngày 24/1/2018, giá BCC hiện chỉ còn ở mức 13,26 USD. Đồng Bitconnect đã mất 95% giá trị kể từ lúc ra thông báo ngừng lending trả lãi.
Không chỉ Bitconnect, những đồng coin MLM khác cũng ở trong tình trạng tương tự. iFan đã ngừng lending, Hextra Coin và Ucoincash gần như mất khả năng thanh khoản. Đây đều là những đồng coin có cộng đồng lớn với hàng chục nghìn nhà đầu tư chỉ tính riêng tại Việt Nam. Sự sụp đổ của cả một hệ thống coin MLM khiến các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa.
Trước câu hỏi của phóng viên VietNamNet, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc nghiên cứu và phát triển tập đoàn Cybermiles (Mỹ), một đơn vị cung cấp giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain cho rằng, sở dĩ Bitconnect sụp đổ nhanh như vậy bởi ngoài việc lấy tiền người sau trả người trước, nó hoàn toàn không có bất cứ giá trị nào khác.
Theo vị chuyên gia này, “Đội ngũ phát triển của Bitconnect không bao giờ chứng minh được làm thế nào họ có thể sinh ra một khoản lợi nhuận lớn như vậy, có lúc lên đến 40% một tháng (gấp hơn 50 lần lãi suất ngân hàng mỗi tháng tại Việt Nam). Ngoài ra đội ngũ phát triển của Bitconnect không bao giờ ra mặt vì họ sợ bị đi tù do sử dụng mô hình ponzi để trục lợi, lừa đảo”.
“Các coin đa cấp (MLM) biến tướng mọc lên như nấm, do đó các mô hình này phải chia sẻ "người sau" với nhau, khiến cho dòng tiền bị âm. Điều này dẫn đến việc không đủ tiền của người sau để trả lãi cho người trước. Sau sự sụp đổ của Bitconnect, niềm tin của các nhà đầu tư bị mất đi làm cả hệ thống sụp đổ một cách nhanh chóng”, ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Muốn thực sự tồn tại, các đồng tiền ảo phải tạo ra giá trị
Để không bị vướng vào những chiếc bẫy như Bitconnect, các nhà đầu tư cần phải biết đồng tiền ảo mà mình mua dùng để làm gì. Bitcoin hiện là đồng tiền ảo số một thế giới hiện nay. Điều này là nhờ nền tảng công nghệ Blockchain đứng đằng sau nó.
Blockchain hay chuỗi khối là một cơ sở dữ liệu phân cấp. Công nghệ này lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Các giao dịch được xác nhận và xử lý bởi sự đóng góp tài nguyên (máy tính, điện) của các thợ đào Bitcoin nhằm xử lý các thuật toán. Nhờ tham gia hỗ trợ, các thợ đào sẽ được thưởng một lượng Bitcoin nhất định.
Blockchain được sử dụng như một hệ thống sổ cái lưu lại tất cả thông tin và dữ liệu một cách công khai. Không ai có thể thay đổi hoặc xoá bỏ thông tin đã được lưu trên hệ thống. Việc bổ sung dữ liệu chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của tất cả các máy tính tham gia mạng lưới. Do đó, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm toán các doanh nghiệp, ngân hàng, ngăn chặn việc khai khống, làm giả số liệu.
Công nghệ Blockchain giúp các giao dịch được thực hiện không thông qua khâu trung gian là các ngân hàng. Chính vì vậy, thời gian thực hiện giao dịch được rút ngắn, mức phí giao dịch cũng rẻ hơn.
Một ưu điểm khác của Bitcoin là khả năng chia nhỏ gần như vô hạn. Mỗi Bitcoin có thể chia ra thành các đơn vị nhỏ nhất là satoshi, với độ nhỏ bằng 1 phần 100 triệu lần. Tuy vậy, việc giấu tên người gửi khiến những giao dịch bằng Bitcoin thường hay bị lợi dụng để rửa tiền. Chính sự thiếu minh bạch và không do một ngân hàng trung ương nào phát hành khiến Bitcoin không thể coi là một loại tiền tệ.
Để bù đắp những yếu điểm của Bitcoin, Ethereum đã ra đời với nền tảng là công nghệ Blockchain 2.0. Sắp tới, đó sẽ là sự xuất hiện của một đồng coin khác là Arcblock với nền tảng công nghệ Blockchain 3.0.
Công nghệ Blockchain đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong mọi mặt của của cuộc sống. Nó được dùng để xử lý các giao dịch điện tử, hợp đồng thông minh (smart contract), huy động vốn thông qua ICO và các hoạt động tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech).
Trên thế giới có hàng nghìn loại tiền mã hóa khác nhau. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu về mục đích ra đời cũng như nền tảng công nghệ đứng đằng sau các đồng tiền mã hóa để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Trong tương lai, vấn đề này sẽ dần được giải quyết khi Việt Nam và các nước trên thế giới hoàn thiện được khung pháp lí về tiền mã hóa để quản lí và thu thuế.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)