Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Tuyền, Phó chi cục trưởng Chi cục Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết tính từ ngày 1- 23/1, đã có 7.932 bộ máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng (máy đào Bitcoin) nhập khẩu về TP.HCM.
Giá trị của 8.000 máy đào tiền ảo này gần 12,3 triệu USD (tương đương gần 279 tỷ đồng), thuế thu nộp ngân sách gần 28 tỷ đồng.
Ông Tuyền cho biết thêm hoạt động nhập khẩu máy đào tiền ảo vẫn diễn ra bình thường, vì không có quy định nào cấp nhập khẩu hàng hóa này.
Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng thông tin, trong hơn 1 tháng (từ tháng 11/2017 đến ngày 21/12/2017) đã có hơn 7.000 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng được nhập khẩu về TP.HCM qua đường chuyển phát nhanh. Trong đó, 7 doanh nghiệp nhập hơn 2.500 bộ; các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu gần 3.000 bộ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Vấn đề sử dụng tiền ảo như phương tiện thanh toán cũng đã được báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM. UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ quan công an, tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM xử lý vi phạm nếu có.
Cũng từ đầu năm đến nay, giá các loại tiền thuật toán liên tục lao dốc. Việc sàn giao dịch Bitconnect bị sập khiến gần 50.000 thành viên của sàn đứng trước khả năng trắng tay.
Việc nhập máy đào Bitcoin tăng liên tục gần đây vì nhiều “thợ đào” cho rằng vẫn kỳ vọng vào mức lợi nhuận mà đồng tiền này mang lại. Đồng thời khai thác Bitcoin bằng phương thức này ít rủi ro hơn giao dịch qua sàn tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Cũng vì vì mà giá máy đào Bitcoin tăng chóng mặt từ 35-45 triệu đồng/máy đã vọt lên 70-80 triệu đồng/máy.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)