Ngày 2/4, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng đề cập hiện tượng đầu cơ tạo "sốt ảo" để trục lợi ở các khu vực có dự án lớn chuẩn bị triển khai
Các thông tin về Đà Nẵng "sốt đất" trở lại được đưa ra đúng thời điểm thành phố công bố nhiều quyết định điều chỉnh quy hoạch chung, chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, khu nghỉ dưỡng Làng Vân... Đồng thời, hàng loạt dự án lớn được kêu gọi đầu tư cùng thời điểm này.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định "không có dấu hiệu tăng đột biến". Cơ quan này cho biết, trước và sau lễ công bố các quyết định (ngày 29/3), khảo sát tại các công ty môi giới cho thấy, giá đất tăng khoảng 5-10% so với trước tết Nguyên đán, chủ yếu là các dự án đất nền ở Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Tháng 3, tại các văn phòng đăng ký đất đai của quận, huyện, mỗi ngày cũng chỉ có bình quân 12-20 hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất.
UBND TP Đà Nẵng mới đây đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong đó có 109 tuyến đường giảm giá đất so với năm 2020. Thêm vào đó, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 đã giảm 10% với đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh.
Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến khu đất và dự án, tránh rơi vào các chiêu trò thổi phồng thị trường, tăng giá đất ảo như từng xảy ra trước đây.
Với tính pháp lý của các dự án bất động sản, ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết cơ quan chức năng đã công khai đầy đủ các thông tin về quy hoạch, đặc biệt là các đồ án có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thành phố; các dự án đủ điều kiện giao dịch (nhà ở hình thành trong tương lai; đất nền được phép bán tại các dự án cho người dân tự xây dựng...).
"Ngoài việc tuyên truyền cho người dân và chủ đầu tư, chúng tôi cũng sẽ nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường, có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản", ông Phong nói.
Tại Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh, đã yêu cầu các ban ngành tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và huyện, thị xã, thành phố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng, nói "sốt đất" là bài toán của thị trường. Giá đất thời gian qua ở Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung có tăng đến từ việc việc truyền thông tốt ở các địa phương, nên "kỳ vọng của người dân cũng như môi giới đều tăng cao và khó cản lại".
Thêm vào đó, do bất động sản ở nhiều nơi khác cao nên các nhà đầu tư ở Hà Nội, TP HCM đổ về Đà Nẵng. Tuy nhiên nếu giá đất ở mỗi khu vực tăng quá 5% một tuần thì cần lưu ý để tránh hiện tượng bong bóng.
Theo ông Lập, thời điểm sốt đất người dân rất dễ hớ hênh trong việc mua những bất động sản chưa rõ tính pháp lý, hệ luỵ là phải nếm trái đắng. Ngoài việc lắng nghe cảnh báo, tìm hiểu thông tin, người mua cần hết sức cảnh giác và hạn chế mua bất động sản ở những giấy cọc, hợp đồng công chứng sang tay vì dễ tạo thành "sốt ảo".
Để chứng minh được giao dịch thành công về chuyển quyền sử dụng đất thì giao dịch đó phải thông qua Hợp đồng công chứng chứng thực và phải được đăng ký biến động tại mục thay đổi tên người sử dụng đất mới tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận.
Theo Nguyễn Đông - Đắc Thành (VnExpress.net)