Thời gian vừa qua, khi kinh tế khó khăn cũng là lúc các mô hình lừa đảo, đa cấp biến tướng mọc lên như nấm sau mưa. Sau MyAladdinz, King of Invest hay Liber Forex,... thì mới đây, một chiêu thức kêu gọi đầu tư khác trên TikTok cũng đang khiến nhiều người vỡ mộng.
Nếu như những chiêu thức quảng cáo rằng "chỉ cần rót tiền vào, ngồi không cũng thu được lãi khủng" đã quá quen thuộc và khiến nhiều người cảnh giác thì hình thức mới trên TikTok vẫn yêu cầu người tham gia phải làm việc, nhưng là “việc nhẹ, lương cao”, “làm ít, ăn nhiều”.
Cụ thể, các ứng dụng này cho biết do sự phổ biến của TikTok nên nhiều người nổi tiếng sẵn sàng bỏ tiền để mua tương tác và TikTok sẽ dùng nguồn tiền này thuê người tham gia tăng tương tác trên nền tảng.
Những người tham gia chỉ cần làm nhiệm vụ bao gồm xem, bấm "like" và "follow" dạo tài khoản trên TikTok là có thể kiếm được tiền. Đơn giản, vừa giải trí, vừa có tiền.
Tuy nhiên, muốn nhận được nhiệm vụ thì trước đó họ phải nạp tiền vào tài khoản, như một sự cam kết “có trách nhiệm với công việc”. Nạp càng nhiều thì nhận được càng nhiều nhiệm vụ, tiền thu về càng cao.
“Tôi phải ấn "like" bằng tay như thế, nó mất thời gian nên tôi nghĩ bỏ công sức nhiều như vậy thì ngày được 400.000 đồng chắc cũng đúng. Lúc đầu tôi không nghĩ là lừa đảo vì tôi cũng phải thức cả đêm để làm, ngày 4-5 tiếng”, một người từng tham gia trả lời VTV.
Các gói nhiệm vụ được quảng cáo sẽ hoàn vốn trong chưa đến 20 ngày, lợi nhuận có thể lên tới 1.700%/năm.
Một người khác tham gia dự án kiếm tiền trên TikTok của AIZAN cho biết với gói nạp tiền lớn nhất là 33 triệu, hoàn thành nhiệm vụ một ngày phải xem hết 150 video trên TikTok, like, follow, bình luận thì sẽ được 1,8 triệu đồng/ngày. Người này đã nạp hơn 130 triệu đồng nhưng đến 3/11 thì app sập, đồng nghĩa với việc mất trắng số tiền.
“Ngày nào mình cũng làm, làm có chút xíu mà lấy tiền ngay. Tập trung làm mới phát hiện ra cái này lợi nhuận còn khủng hơn cả đầu tư bất động sản”, một người tự xưng là "doanh nhân nhiều năm kinh nghiệm" giới thiệu dự án kiếm tiền trên TikTok với các học viên của mình.
Không chỉ sử dụng những người được cho là doanh nhân thành đạt mà các ứng dụng này còn thuê nhiều nhân vật có ảnh hưởng, có lượng theo dõi lớn trên TikTok để quảng bá, tạo niềm tin cho người tham gia.
Ngoài AIZAN, nhiều dự án khác như iclick.vip, Golden Hand cũng có mô hình tương tự.
Ví dụ, ứng dụng iClick được quảng cáo là phương thức kiếm tiền online cực kỳ đơn giản, thu nhập từ 400.000 đến 1.000.000 đồng/ngày, rút tiền luôn trong ngày.
Trong khi đó, một website khác có tên Like Share (tại địa địa chỉ likevi789.com) cũng quảng cáo là có thể kiếm tiền thông qua việc nhấn like các video trên ứng dụng Tiktok.
"Muốn lời được cao thì phải mua gói đắt tiền, làm được nhiều nhiệm vụ. Mình khi vào mua ngay gói Bạch Kim, được khuyến mãi còn 8.600.000, làm 68 nhiệm vụ/ngày.
Theo họ hứa hẹn chỉ việc like video Tiktok rồi báo về là có hơn 20 triệu đồng/tháng, gần 250 triệu đồng/ năm. Mà cái này cứ hết ngày là tiền nó về tài khoản ngay nên người ta tham gia đông lắm", một người tham gia trả lời báo Lao Động.
Không những thế, Like Share còn có dấu hiệu của mô hình đa cấp biến tướng khi thành viên cũ mời thêm được người mới sẽ được hưởng “hoa hồng" ứng với số tiền mà người mới mua gói nhiệm vụ.
Tuy nhiên hầu hết ứng dụng đều đã dừng hoạt động sau một thời gian ngắn mời gọi người tham gia đầu tư.
Trước sự việc này, người phát ngôn TikTok khẳng định: “Chúng tôi không cho phép những nội dung lừa đảo, dễ gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng tới niềm tin hay gây nguy hại đến cộng đồng người dùng. Điều này bao gồm các hoạt động như tin nhắn rác, mạo danh, đưa thông tin sai lệch hay thao túng các cơ chế của nền tảng nhằm tăng chỉ số tương tác”.
Theo Ngọc Diệp (Trí Thức Trẻ)