Cận Tết, hoa quả siêu rẻ, bán lỗ mà vẫn “ế chỏng ế chơ”

06/01/2017 15:05:00

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thế nhưng tình trạng buôn bán èo uột tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên - đang khiến nhiều tiểu thương vô cùng lo lắng.

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thế nhưng tình trạng buôn bán èo uột tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên - đang khiến nhiều tiểu thương vô cùng lo lắng.

Thảm hơn là phật thủ có giá dao động từ 30 đến 300 ngàn/quả tùy độ to và xòe nhưng cũng chẳng bán được quả nào. Tương tự, sầu riêng tại chợ bán với giá 50.000 – 80.000 đồng/kg mà cũng chẳng có ai ngó ngàng.

Một số tiểu thương chán nản cho biết: “Cả ngày chợ vắng như chùa bà Đanh, chẳng biết sao mà không thấy ai đi mua hàng. Mọi năm đến tầm này chẳng phải bán lẻ mà toàn bán úp luôn, khách đến chỉ mua buôn”.

Bà Minh có 1 sạp bán táo, lê cho biết, ngay cả hàng Trung Quốc cũng bán quá chậm, dù táo nhập vào 20 đến 22 ngàn đồng/kg, bán ra chỉ có 25 ngàn đồng/kg nhưng cả ngày hôm nay cũng chỉ bán được 3 kg táo. Còn lê bán giá 15.000 đồng/kg chỉ lãi có 2.000 đồng/kg cũng chẳng bán được quả nào.

“Ế ẩm như này đã vài tháng nay, ít nhất cũng phải ngoài 20 âm may ra mới thoát khỏi tình trạng ế ẩm khủng khiếp này. Vì thời điểm đó sát ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo, sau đó sẽ chững lại vài hôm rồi đến 27 mới nhộn nhịp trở lại”, bà Minh cho biết.

Không có khách, nhiều chủ sạp còn phải bán rẻ để gỡ vốn. Xoài nhập vào rạng sáng là 41.000 – 43.000 đồng/kg, buổi sáng có thể bán được 55.000 đồng/kg nhưng đến chiều thì rớt giá thê thảm còn 40.000 đồng/kg. Các chủ sạp buộc phải bán để gỡ vốn vì còn tồn quá nhiều.

Cam sành Sài Gòn còn mất đến 5 giá, khi nhập vào 30.000 đồng/kg mà bán ra chỉ còn 25.000 đồng/kg. Nhưng nếu không bán nhanh mà đến sang ngày hôm sau cam héo thì có cho cũng chẳng ai lấy.

Thời tiết nắng nóng kéo dài nên chỉ có quýt là còn có khách vào mua hàng, nhưng giá cũng chỉ 35.000 đồng/kg, lãi 2.000 đồng/kg.

Cô Dương Cẩm Hà, chủ sạp quýt cho biết, “Năm nay cả chợ đều ế ẩm, ai buôn cũng lỗ. Bình thường mọi năm, dịp sát Tết như này, 1 ngày bọn cô bán vèo cái là hết 1 – 2 tấn hàng. Nhưng năm nay, ngắc ngứ mãi cũng chỉ được 2 – 3 tạ thôi. Mà nhà cô còn thuộc dạng chịu khó nhất chợ, tất bật từ 2 – 3 giờ sáng đến 6 – 7 giờ tối mới về, vị trí cũng gần cổng rồi mà chẳng ăn thua. Hôm nay, nhập 8 thùng quýt mà cuối giờ chiều vẫn còn tới 6 thùng đầy”.

Lý giải cho việc ế ẩm này, một số chủ sạp hàng cho rằng, năm nay thời tiết không lạnh như mọi năm nên hoa quả rất được mùa. Dẫn đến nguồn cung hoa quả có ở rất nhiều nơi và có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Thậm chí do không bán được nhiều nhà vườn quanh Hà Nội còn sẵn sàng đổ buôn đến tận các cửa hàng bán lẻ nên lượng khách đến chợ Long Biên năm nay giảm đáng kể.

Chị Trịnh Hồng Nhung ở Lương Yên cho biết, mỗi lần về quê là mình hay ra chợ Long Biên mua 1 thùng hoa quả mang về Thái Nguyên cho gia đình cùng thưởng thức. Nhưng bây giờ, chỉ cần xuống các siêu thị, hoặc gọi điện là có các cửa hàng chở đến tận nhà mà chẳng phải đi nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một cửa hàng hoa quả tại Gia Lâm cho biết, trước đây nếu 11 giờ tối không đi được thì 6 giờ sáng mình sẽ sang chợ Long Biên lấy hàng về bán. Nhưng thời gian gần đây, có nhiều lái buôn chở hẳn xe tải qua cho mình chọn và lấy giá buôn nên mình cũng bỏ thói quen sang chợ.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến yếu tố người Việt đang chuộng hàng ngoại hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam từ các thị trường Mỹ, Australia, Thái Lan và New Zealand tăng cao so với các năm qua. Rau quả nhập khẩu từ một số thị trường như Australia tăng 4 lần đạt 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD.

Theo Thế Hưng (Dân Trí)

Nổi bật