Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan vào cuộc để làm rõ thông tin này. Ngày 22.10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra 247 mẫu nước mắm lấy tại 5 tỉnh thành, hoàn toàn không có asen vô cơ (thạch tín) vượt ngưỡng.
Ngày 26.10, trả lời báo chí, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ này đang trao đổi với các cơ quan liên quan, xem xét nếu cần thiết thì đình chỉ hoạt động của Vinastas để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội này. Cũng có ý kiến cho rằng nên giải thể Vinastas vì vụ việc này cho thấy, Hội đã không làm tròn chức năng nhiệm vụ tôn chỉ của mình.
Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty TNHH luật hợp danh Thiên Thanh, việc giải thể hay đình chỉ hoạt động của Vinastas phải theo trình tự nhất định.
Theo luật sư Truyền, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Một trong những quyền của hội này là: Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (điểm d khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010).
“Dưới góc độ pháp luật, tôi cho rằng việc xử lý vi phạm của Vinastas khi họ công bố kết quả kiểm tra mẫu nước mắm với kết luận “hơn 67% không đạt chỉ tiêu asen” là hết sức cần thiết, Vinastas phải chịu trách nhiệm về công bố của mình. Tôi cho rằng lúc này Bộ Nội vụ có quyền tạm dừng mọi hoạt động của Vinastas sau khi có ý kiến tham vấn của Bộ Công Thương và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta) để xem xét, điều tra”, luật sư Truyền khẳng định.
Cũng theo vị luật sư này, ở đây cần phải làm rõ, cá thể hóa được trách nhiệm của từng thành viên trong Ban chấp hành của Vinastas trong vụ việc này, những hành vi nào có dấu hiệu đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của Vinastas hay không? Có hành vi trục lợi cho cá nhân, tổ chức nào trong việc công bố kết quả khảo sát hay không? Có hay không dấu hiệu của gian lận thương mại hay cạnh tranh không lành mạnh?
Tất cả những vấn đề trên cần phải được đánh giá một cách khách quan, toàn diện vì Vinastas được lập ra vì mục đích bảo vệ lợi quyền cho người tiêu dùng trong cả nước. Bên cạnh đó, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Vinastas - Đại hội đại biểu toàn quốc của Hiệp hội - sẽ quyết định việc những vấn đề liên quan đến việc hợp nhất, giải thể, thành viên ban chấp hành của hiệp hội.
“Được lập ra trên cơ sở tự nguyện thì bản thân ý chí, nguyện vọng của các hội viên là cao nhất, bản thân trong Nghị định 45 cũng đã chỉ rõ những trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể trên cơ sở như: Hội không hoạt động liên tục 12 tháng; Khi có nghị quyết của đại hội về việc hội tự giải thể mà ban lãnh đạo hội không chấp hành; Hoạt động của hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, luật sư Truyền phân tích.
Còn trong trường hợp có đủ căn cứ để chứng minh hoạt động của Vinastas không thực hiện đúng tôn chỉ, thậm chí vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng của Hội đã được quy định cụ thể tại Điều 2 Điều lệ hội thì căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 14; điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ ban hành Quyết định giải thể Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Hải Phong (Dân Việt)