Đi trước về sau
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến chỉ bằng 80% so năm 2019. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất.
Tại Việt Nam, thị trường hàng không nội địa mặc dù phục hồi về sản lượng, nhưng giá vé trung bình vẫn thấp hơn 12% so với năm 2019 và đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Còn thị trường hàng không quốc tế vẫn phục hồi chậm khi cả năm 2022 chỉ đạt 28% so với năm 2019. Cho đến 2 tháng đầu năm 2023, thị trường mới chỉ đạt 64% so với năm 2019, thấp hơn nhiều so với các khu vực như châu Âu, châu Mỹ. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên thực tế chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách, đạt 73% kế hoạch. Theo biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 tại báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1%, đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực. Sự phục hồi du lịch quốc tế không như kỳ vọng dẫn đến nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế nói chung chứ không chỉ riêng 2 ngành trực tiếp là hàng không và du lịch. Cụ thể là ảnh hưởng tới thị trường ăn uống, lưu trú, bất động sản - vốn đều là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19 (15-3-2022), nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang thu hút khách quốc tế kém hiệu quả hơn. Các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân như chính sách visa chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực; các chương trình quảng cáo, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu; mức độ sẵn sàng đón khách chưa cao sau hơn 2 năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi sau đại dịch. Trong giai đoạn hiện nay, khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe. Các đoàn khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) đòi hỏi điểm đến có hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp…
Trông chờ thị trường tỷ dân?
Thị trường Trung Quốc đối với cả du lịch và hàng không Việt Nam đều được coi là một trong những thị trường trọng điểm, đóng góp lượng khách và doanh thu lớn. Cũng bởi vậy, thông tin Trung Quốc bổ sung Việt Nam vào danh sách cấp visa khách du lịch theo đoàn đã giúp thị trường hàng không và du lịch Việt dấy lên hy vọng về tốc độ phục hồi sớm hơn, tốt hơn. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng luôn bám sát các diễn biến mới nhất của thị trường để từng bước mở lại các đường bay kết nối Việt Nam với các nước. Vietnam Airlines đã mở lại một loạt chuyến bay quốc tế thường lệ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… vào tháng 1-2022 sau giai đoạn đóng băng vì dịch Covid-19. Tháng 12-2022, ngay khi Trung Quốc nới lỏng việc cấp phép bay và điều kiện cách ly, Vietnam Airlines đã mở lại các đường bay kết nối từ Hà Nội/TP.HCM đến Quảng Châu/Thượng Hải và tiếp tục tăng tải sau khi có thông tin Trung Quốc mở cửa từ 8-1-2023. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản Vietnam Airlines đã khôi phục mạng đường bay đến hầu hết các quốc gia, điểm đến trước Covid-19 (trừ Nga và Myanmar).
Riêng với thị trường Trung Quốc, Vietnam Airlines đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn. Từ tháng 3-2023, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh. Trong các tháng sau đó, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc.
Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh). Hãng kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy hàng không, du lịch giữa 2 quốc gia trong thời gian tới. Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên, Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa 2 nước năm 2023 sẽ phục hồi tốt. Năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19% tổng số lượng khách quốc tế Vietnam Airlines và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.
Tương tự, Vietravel Airlines cũng nhận định Trung Quốc là thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi ngành hàng không, du lịch Việt nói chung và cả Tập đoàn Vietravel nói riêng. Hãng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước thông tin Trung Quốc sẽ mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 15-3-2023.
Với lợi thế là thành viên của Tập đoàn du lịch Vietravel (sở hữu hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với nhiều sản phẩm tour inbound và outbound), Vietravel Airlines đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận, phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng, đặc biệt là trong dịp cao điểm hè. Vietravel Airlines cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới. Cụ thể, hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với Nha Trang (Khánh Hòa) như: Hàng Châu - Cam Ranh, Thường Châu - Cam Ranh, Côn Minh - Cam Ranh.
Còn Bamboo Airways thông tin, từ tháng 4-2023, hãng dự kiến bắt đầu khai thác đường bay charter Nha Trang - Macao với tần suất 4 chuyến/tuần và Hà Nội/TP.HCM - Hải Khẩu với tần suất 3 chuyến/tuần/đường. Đối với các điểm đến khác, hãng đang trong quá trình đàm phán với đối tác, dự kiến sẽ triển khai thêm các đường bay mới từ tháng 5 và 6-2023 nếu điều kiện cho phép.
Cần chiến lược tổng thể
Các hãng hàng không đều rầm rộ lên kế hoạch kết nối với thị trường khổng lồ Trung Quốc, nhưng làm sao để mọi sự chuẩn bị mang lại kết quả như mong đợi lại là vấn đề cần giải pháp và chính sách từ cơ quan quản lý. Đại diện Vietnam Airlines kiến nghị 3 nhóm giải pháp để du lịch và hàng không Việt “cất cánh”. Trong đó, nhóm 1 là tạo lập thị trường và tăng khả năng tiếp cận cho các thị trường khách quốc tế vào Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh điểm đến.
Đặc biệt, trước mắt Việt Nam cần sớm quay về các chính sách visa như trước Covid-19. Tiếp theo đó, cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Ví dụ như có thể xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và toàn bộ các quốc gia EU; gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày hoặc 45 ngày như Thái Lan; cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì 1 lần như hiện tại, trước mắt ưu tiên cho khu vực Mỹ, châu Âu và Úc vốn là các thị trường khách có tập tính đi du lịch dài ngày…
Về dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực (Thái Lan, Singapore…) và có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng. Trước mắt, trong quá trình phục hồi thị trường du lịch, Việt Nam cần có một kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và thành lập tổ chuyên trách gồm thành viên của các bộ, ngành, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, khách sạn và có khả năng tổng hợp, đề xuất các chính sách sát với thực tiễn, có khả năng tham vấn cũng như theo sát và thúc đẩy việc triển khai thực hiện. Việt Nam cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tổ chức các sự kiện, lễ hội phát động du lịch quy mô lớn, tạo tiếng vang và có khả năng thu hút du khách… Ngoài ra, cần các chính sách hỗ trợ hàng không và lữ hành để các doanh nghiệp có lực sớm phục hồi.
Theo Ngân Tuyền (An Ninh Thủ Đô)