Thông báo nêu rõ, bắt đầu từ ngày 15/3, các công ty lữ hành và công ty du lịch trực tuyến sẽ được nối lại trên cơ sở thí điểm để điều hành các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và kinh doanh "vé máy bay + khách sạn" cho công dân Trung Quốc đến các quốc gia có liên quan.
Các công ty lữ hành và du lịch trực tuyến có thể triển khai phát hành sản phẩm, quảng bá, xúc tiến và các công việc chuẩn bị khác”.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đưa ra danh sách các nước mà doanh nghiệp du lịch Trung Quốc được phép thí điểm triển khai tổ chức tour gồm: Nepal, Brunei, Việt Nam, Mông Cổ, Iran, Jordan, Tanzania, Namibia, Mauritius, Zimbabwe, Uganda, Zambia, Senegal, Kazakhstan, Uzbekistan, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Iceland, Albania, Ý, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Slovenia,...
Cơ quan quản lý văn hóa và du lịch Trung Quốc cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu phòng dịch, làm tốt việc liên kết với các đối tác nước ngoài để thiết kế các lộ trình, sản phẩm du lịch chất lượng, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch. Đồng thời, nhắc nhở du khách làm tốt công tác tự theo dõi sức khỏe trước khi đi du lịch, xác nhận tình trạng sức khỏe của bản thân,...
Các địa phương phải nghiêm khắc yêu cầu các đơn vị lữ hành thực hiện chế độ “một nhóm, một báo cáo”. Các công ty lữ hành và du lịch trực tuyến không được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch theo nhóm và "vé máy bay + khách sạn" nước ngoài vi phạm lịch trình hoặc ngoài phạm vi danh sách quốc gia đã nêu.
Đây là danh sách đợt hai Trung Quốc thí điểm tổ chức tour du lịch theo đoàn cho công dân đi du lịch nước ngoài. Đợt một gồm 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, triển khai từ 6/2, nhưng danh sách ban đầu không có Việt Nam.
Đến nay, hầu hết các địa phương, điểm đến du lịch và doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách đoàn Trung Quốc, sau hơn 3 năm vắng bóng.
Trả lời báo chí, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay, thị trường khách Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam mới chạm vào một góc, còn nhiều phân khúc cao cấp chưa khai thác được.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động hơn nữa, phải làm việc với đối tác lớn của Trung Quốc để đón khách, tránh thụ động khi họ gửi khách đến mình chỉ là bàn tay nối dài. Hơn nữa, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần phát huy chiến lược, bản sắc riêng. Khi khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch với số lượng lớn, địa phương cần chủ động phương án quản lý điểm đến an toàn, an ninh, giãn khách ở các dịp cao điểm cuối tuần, kỳ nghỉ để tránh quá tải cục bộ.
Theo Tổng cục Du lịch, trước dịch Covid-19, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.
Khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.022 USD cho 1 chuyến đi nên đóng góp khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam (năm 2019).
Theo Thái An - Ngọc Hà (VietNamNet)