Cán bộ thuế khởi tố như công an: Doanh nghiệp lo lắng

06/05/2018 06:49:51

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự. Đề xuất này khiến nhiều ý kiến lo ngại.

Thêm quyền cho cán bộ thuế, doanh nghiệp thêm khổ?

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2018 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo luật này là Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chính sách về điều tra thuế vào dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Cán bộ thuế khởi tố như công an: Doanh nghiệp lo lắng
Cân nhắc việc tăng quyền cho cán bộ thuế.

Cụ thể: khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.

Một trong những lý do được Bộ Tài chính viện dẫn là, tỷ lệ các vụ vi phạm về thuế bị xử lý hình sự còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...;

Theo Bộ Tài chính, “điều tra thuế” chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau; nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc.

“Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố; cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người mà sẽ phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết”, Bộ Tài chính khẳng định.

Trước đề xuất này, Giám đốc một DN chuyên tư vấn thuế kể: "Mới đây, có nhân viên kế toán kể với tôi là bên cô ấy có xuất hoá đơn cho khách lẻ ghi trên tờ hoá đơn chỗ người mua hàng là khách lẻ, do vậy chưa xé liên đỏ khỏi cuống. Khi mang hoá đơn lên kiểm kê tại Chi cục thuế thì bị phạt 6 triệu đồng. Dù đã giải trình với thuế là chưa giao liên đỏ cho khách chứ không phải không giao, nhưng họ không đồng ý và lập quyết định phạt."

“Nếu thêm cái quyền điều tra vào, toàn bộ doanh nghiệp ở Việt Nam này trong mắt cơ quan thuế là có vấn đề hết”, vị này băn khoăn.

Theo vị giám đốc trên, với đội ngũ thuế hiện nay việc thu thuế chưa hiệu quả là do trình độ yếu kém; đạo đức chưa ổn do muốn tư lợi; hệ thống văn bản, hành lang pháp lý thiếu minh bạch; lợi ích nhóm vẫn tồn tại nhiều quá gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung,...

“Tại sao không nâng giá trị, trình độ cán bộ để quản lý cho tốt, ham quyền làm gì nhỉ?”, vị này  băn khoăn.

Cán bộ thuế khởi tố như công an: Doanh nghiệp lo lắng - 1

Trước đó, đề xuất này của Bộ Tài chính vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ ngành.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, việc này cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế trong hoạt động tố tụng và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế.

“Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể”, Bộ Tư pháp nêu ý kiến.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị không bổ sung chức năng Điều tra thuế vào Luật quản lý thuế sửa đổi vì hiện nay, chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

Chưa cần thiết

Nếu thêm quyền điều tra khởi tố cho cơ quan thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra vì nếu bổ sung thêm chức năng cho Cơ quan thuế - chức năng điều tra thuế, thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, góp ý: "Về mặt tuân thủ thuế, tôi luôn ủng hộ phương thức tuân thủ theo đúng kỷ cương pháp luật thay vì dùng các biện pháp cưỡng chế mạnh để xử lý vấn đề này".

“Tại sao người ta không thực sự nghiêm túc đóng đầy đủ các khoản thuế? Phải chăng chính sách thuế của ta chưa thực sự khuyến khích. Có khi ta chưa cần đổi mới chính sách thu thuế mà chỉ cần thay đổi cách tương tác với người dân thực thi chính sách thuế thì đã giúp nâng cao hiệu quả thu thuế, tránh đẩy gánh nặng cho người dân”, ông Dương chia sẻ.

Ông Dương cũng thừa nhận tâm lý “không một người dân nào thích nộp thuế cả”, nhưng ông cũng cho rằng, dùng biện pháp cưỡng chế thuế như thêm quyền điều tra khởi tố “chỉ tạo dễ dàng cho thực thi công vụ nhưng chưa chắc giải quyết được các vấn đề về thuế”.

“Giả sử có biện pháp như vậy thì chi phí bỏ ra thực hiện các biện pháp ấy liệu có lớn hơn nguồn thu thuế dự kiến thu được hay không. Từ góc độ thực dụng như vậy, đề xuất cho cơ quan thuế được quyền điều tra khởi tố có thể chưa thực sự cần thiết”, ông Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.

Theo Hà Duy (VietNamNet)