Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất vấn đề mới và lớn là cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.
Theo giải trình của Bộ Tài chính, việc quy định chính sách này sẽ cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, giảm chi phí tuân thủ cho đơn vị sử dụng lao động; giảm chi phí quản lý của cơ quan quản lý nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, góp ý cho vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng: Hiện nay việc thu các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động đang do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện. Do đó, việc chuyển đổi, sáp nhập chức năng thu bảo hiểm xã hội vào cơ quan thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp bộ máy của hai cơ quan, số lượng lao động điều chuyển sau khi chuyển đổi mô hình.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng đối với chính sách trên để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần làm rõ thu các khoản bảo hiểm xã hội mang tính chất bắt buộc có phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý thuế hay không?
Phản biện lại đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội đánh giá: Theo quy định tại Điều 1 Luật Quản lý thuế thì Luật này quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật. Còn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội,Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của nhà nước
Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định: Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ LĐ-TBXH, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ BHXH”. Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý thuế sang “các khoản thu khác ngoài ngân sách nhà nước” là một vấn đề lớn cần đánh giá tác động toàn diện để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi, phù hợp với thực tiễn khi được triển khai thi hành và đặc biệt đảm bảo chính sách mới có giá trị so với chính sách hiện hành.
Các mặt cần đánh giá là số lượng và nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và BHXH cần sửa đổi, bổ sung, thay thế; số lượng các thủ tục, hồ sơ về thuế, BHXH,... cần điều chỉnh; tác động đến tổ chức bộ máy, nhân sự của ngành thuế và BHXH, tác động đến người lao động, doanh nghiệp,... theo quy định quản lý thu mới.
Sau khi có ý kiến của các bộ ngành, mới đây Bộ Tài chính đã quyết định bỏ phương án cơ quan thuế thu bảo hiểm xã hội. Thay vào đó, việc thu bảo hiểm xã hội vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Cơ quan thuế chỉ phối hợp ở mức độ trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và thuế đối với tổ chức trả thu nhập và cá nhân.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)