Tội phạm lừa đảo công nghệ cao ngày càng trở nên manh động, ngang nhiên và thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi hơn. Điều này khiến không ít người, dù đã rất cảnh giác vẫn không kịp xoay sở và trở thành nạn nhân bị lừa tiền.
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện 1 bài viết thuật lại chi tiết sự việc cô và 1 số nạn nhân khác đã sập bẫy của những kẻ đánh cắp chuyên nghiệp mà ngay cả khi các nạn nhân đều là những người luôn cảnh giác nhưng vẫn không tránh khỏi việc mất tiền.
Như các bản tin trước đây được chúng tôi đăng tải, thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều nạn nhân vì nhẹ dạ mà bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sự việc lần này là một "chiêu" khá mới, khi các đối tượng xấu nhắm vào người dùng ví điện tử. Và chị K. A., chủ nhân bài viết đang nhận nhiều chú ý trên mạng xã hội là 1 trong những nạn nhân mới nhất.
Bổn cũ soạn lại: Giả nhân viên liên lạc qua điện thoại rồi chiếm đoạt tài khoản ví điện tử
Theo chia sẻ của chị K. A., vào ngày 20/9, chị nhận được cuộc điện thoại từ số máy tự nhận là nhân viên ví điện tử M. yêu cầu xác nhận thông tin để nhận về phần quà trị giá 300.000 đồng.
Trong cuộc gọi đầu tiên, đối tượng đặt ra thắc mắc vì sao chị K.A không trả lời mail được gửi đến từ ví điện tử M. này. Nạn nhân đã xác nhận có thấy mail nhưng không để ý vì cho rằng đó là mail quảng cáo.
Dựa trên việc chị K.A nhận có thấy nhưng đã xóa mail, đối tượng thông báo với chị K.A vì lý do chị không trả lời mail nên phía ví điện tử M. phải gọi điện để đối chứng trực tiếp cũng như ghi nhận ý kiến khách hàng về dịch vụ của ví điện tử này.
Đặc biệt, theo chị K. A. đối tượng này tỏ ra vô cùng thủ đoạn, thay vì trực tiếp đặt những câu hỏi về thông tin cá nhân thì đối tượng lại đưa ra những câu hỏi tạo "cảm giác thông thường", người nghe chỉ cần trả lời dưới dạng đúng/sai. Điều này dễ khiến các nạn nhân tin tưởng, qua đó sập bẫy lừa đảo.
"Chị được nhận mã thưởng từ momo nữa nhé chị, 300.000 này chị sẽ dùng để thanh toán và sử dụng tất cả dịch vụ của momo như nạp thẻ, tiền điện, tiền nước,... chị nhé. Sau đây em xin thực hiện đối chứng nhé. Chị vui lòng không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì để bảo mật tài khoản".
Sau khi xác thực được tên tuổi, tài khoản ngân hàng mà K.A đã liên kết với ví điện tử của mình, đối tượng đã yêu cầu K.A cung cấp mã OTP. Lúc này, mặc dù đã ngờ ngợ nhận ra điểm bất thường, tuy nhiên bằng các "liệu pháp tâm lý" của các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, chị K. A. cuối cùng vẫn gửi mã OTP cho các đối tượng này.
Không lâu sau khi cung cấp OTP, tài khoản ví điện tử của chị K. A. bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt và chuyển thành công số tiền trong ví của nạn nhân sang ví của chúng.
Cảm thấy có vẻ "dễ ăn", kẻ gian tiếp tục truy cập vào tài khoản ngân hàng có liên kết với ví điện tử của chị K. A. để chuyển vào ví số tiền 1.000.000 đồng. Đối tượng một lần nữa gọi điện yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP, tuy nhiên chị K. A. từ chối. Kể từ thời điểm này, mọi cách thức đối tượng dùng để liên lạc với chị K. A. cũng bị ngắt.
Thêm 3 người bạn của nạn nhân bị lừa tiền với cùng thủ đoạn
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, sau khi đã chiếm đoạt được tài khoản ví điện tử của chị K. A., ngoài việc rút tiền, các đối tượng còn chiếm được các thông tin về giao dịch của nạn nhân, từ đó xác định những "con mồi" tiếp theo - chính là bạn bè của nạn nhân.
Cùng trong buổi chiều mà chị K.A bị đánh cắp số tiền từ ví điện tử của mình, chị K.A cho biết đối tượng liên tục thực hiện thêm ít nhất 4 phi vụ lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự và thậm chí sử dụng cả những thủ đoạn chiếm đoạt khác như qua hình thức nạp thẻ.
Trong số những người bạn của chị K.A bị đánh cắp tiền đã có người mất số tiền lên đến 2.000.000 đồng và phi vụ cuối cùng chúng thực hiện trót lọt mà chị K.A được biết thì nạn nhân đã bị mất 1.500.000 đồng.
Sau đó, đối tượng đã tạm dừng các hoạt động lừa đảo, đánh cắp tiền cho đến ngày 22-9, chúng đã tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của mình.
"Sau khi lừa đảo vào ngày 20-9, đối tượng khoá máy nghỉ ngơi và tiếp tục hoạt động vào ngày 22-9. Chúng đã gọi cho ít nhất 10 người bạn của mình bằng chung 1 số điện thoại".
Hiện, K.A và những nạn nhân khác đã báo cáo sự việc đến trung tâm hỗ trợ khách hàng của ví điện tử chị đang sử dụng cũng như tới các cơ quan chức năng.
Bài học "xương máu" chị em cần nằm lòng để tránh bị lừa đảo
Theo chị K.A, lý do đối tượng này có thông tin về những người thân của mình là do chúng đã đổi mật khẩu ví điện tử của mình thành công và có được toàn bộ lịch sử giao dịch của mình. Từ đó, đối tượng tiếp tục thực hiện các kế hoạch tinh vi để đánh cắp tiền từ những nạn nhân khác.
"Bọn chúng sẽ hỏi rất dồn dập và tấn công liên tục. Chỉ cần trả lời thì sẽ lậm vào ngay khó mà dứt ra vì dây chuyền, móc xích của bọn nó rất chặt chẽ, các thủ thuật tâm lý được ứng dụng vô cùng tốt. Rất nhiều người bị lừa xong vẫn ngờ ngợ chưa biết bị lừa. Không ngờ trong đó có mình. May mà mình kịp tỉnh không thì lại mất thêm 1.000.000 đồng nữa", chị K. A. nói.
Chị K.A cũng rút ra kinh nghiệm xương máu cho chính bản thân mình và cảnh báo mọi người, tất cả các giao dịch liên hệ yêu cầu cho mã OTP đều cần tỉnh táo và không nên nghe theo.
"Chỉ cần nghe đến mã OTP, lập tức nghĩ ngay đến lừa đảo cho mình vì không có bất kỳ ai được quyền biết OTP của mình qua điện thoại cả".
Bên cạnh đó, chị K.A cũng kêu gọi các nạn nhân dù chỉ mất số tiền rất nhỏ cũng phải báo cáo với các bên liên quan và các cơ quan có chức năng để nhanh chóng phát hiện xử lý các đối tượng trước khi chúng thực hiện được những phi vụ lớn hơn nữa.
Theo Mạn Ngọc (Pháp Luật & Bạn Đọc)