Chỉ trong vòng 2 ngày 26, 27/12, kịch bản giá vàng diễn ra cùng một nhịp khi sáng tăng lên trên mốc 80 triệu đồng/lượng, xong lại nhanh chóng giảm vào cuối ngày. Cụ thể, vào lúc 17h ngày 27/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 77,8- 79,5 triệu đồng/lượng mua vào -bán ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt cho rằng, giá vàng trong nước tăng cao liên tục từ đầu tuần đến nay dựa trên nhiều yếu tố. Vàng miếng SJC lên mốc 80 triệu đồng/lượng là mức tăng cao chưa từng có trong lịch sử.
Vàng nhẫn cũng theo đà tăng lên trên 64 triệu đồng/lượng. Ông Khánh cho hay, vàng trong nước tăng một phần chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới tăng. Sau dịp nghỉ Giáng sinh, giá vàng thế giới duy trì trên mốc 2.060 USD/ounce. Tuy nhiên, trước việc tăng giá nhanh và mạnh của vàng trong nước, ông Khánh cho rằng, phần nhiều do tâm lý đám đông kéo nhau đi mua vàng 2 ngày hôm nay.
Theo ông Khánh, nhu cầu mua vàng của người dân cao. Tuy nhiên, từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực đến nay, NHNN không nhập thêm vàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công một số vàng bị móp méo. Do đó, khi giá vàng tăng lên, người dân đi mua nhiều, cung thấp hơn cầu làm cho tình trạng khan hàng, cháy hàng diễn ra, khiến giá vàng SJC tăng cao và khi người dân thấy giá vàng cao lại đổ xô đi bán nên giá vàng lại xuống thấp.
“Hiệp hội nhiều lần kiến nghị cho nhập nguyên liệu về để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu vàng miếng. Theo đó, NHNN nên cho phép 3 đơn vị nhập khoảng 1,5 tấn với khoảng 100 triệu USD trong vòng 3 tháng. Nhập số lượng ít sẽ không ảnh hưởng gì đến tỷ giá. So với các mặt hàng nhập khẩu khác hơn tỷ USD thì việc nhập vàng này không đáng lo ngại”.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam
“Khi vàng khan hiếm, họ sẽ lấy tiền trước và hẹn ngày lấy vàng sau. Tương tự, khi người dân ùn ùn đi bán vàng, họ sẽ cầm vàng trước và hẹn ngày lấy tiền sau. Khi thị trường biến động nhiều, cửa hàng kinh doanh vàng sẽ đẩy toàn bộ rủi ro về phía khách hàng, họ kinh doanh không cần vốn nữa rồi”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thêm, khi số lượng vàng miếng SJC chỉ quanh quẩn nên khi người dân đổ xô mua thì đương nhiên giá bán tăng cao nhưng giá mua vào sẽ rất thấp, chênh lệch gần 2 triệu đồng/lượng. Do vậy, nhà đầu tư trong nước bị lỗ nặng khi phải mua giá cao mà bán giá thấp và chịu thiệt thòi.
Để sớm có thể hạ nhiệt được giá vàng khi nhu cầu vàng cuối năm tăng cao, giá thế giới có khả năng lên mốc 1.100 USD/ounce, ông Khánh đưa ra giải pháp là cho nhập khẩu vàng.
“Hiệp hội chúng tôi nhiều lần kiến nghị cho nhập nguyên liệu về để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu vàng miếng. Theo đó, NHNN nên cho phép 3 đơn vị nhập khoảng 1,5 tấn với khoảng 100 triệu USD trong vòng 3 tháng. Nhập số lượng ít sẽ không ảnh hưởng gì đến tỷ giá. So với các mặt hàng nhập khẩu khác hơn tỷ USD thì việc nhập vàng này không đáng lo ngại”, ông Khánh nói và khẳng định, đây là biện pháp tối ưu nhất thời điểm này để sớm hạ nhiệt giá vàng.
Cần sửa nghị định về độc quyền vàng
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) nhận định, với thị trường vàng miếng độc quyền, cung - cầu bị kiểm soát như hiện nay, việc giá vàng tăng cao hơn bình thường tất yếu sẽ xảy ra. Mức giá vàng miếng chênh lệch tới 16 triệu đồng so với vàng nhẫn. Theo ông Huân, cách duy nhất can thiệp vào thị trường lúc này là ngưng độc quyền sản xuất vàng miếng. “Nhà nước chỉ kiểm soát nguồn cung, việc sản xuất có thể cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia, sử dụng vàng dân cư để sản xuất vàng miếng, góp phần hạ nhiệt nhu cầu vàng miếng của thị trường.
Thị trường cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu vẫn cần duy trì để đảm bảo an ninh tiền tệ, giảm đầu cơ tích trữ. Những năm qua, cán cân thanh toán khá ổn định. Nếu phải nhập khẩu vàng sẽ mất lượng lớn ngoại tệ, trong khi thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối chưa cao ”, ông Huân nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.
“Chính sách độc quyền vàng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy lên mức nóng như hiện nay, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Đã đến lúc nên bỏ độc quyền vàng”, ông Long nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiệp hội đã góp ý với Ngân hàng Nhà nước về việc sửa Nghị định 24 trong quản lý kinh doanh vàng. Theo đó, cần phải có nghị định mới thay thế nghị định này và bỏ độc quyền vàng.
“Không thể phủ nhận tác động hiệu quả từ Nghị định 24. Nghị định này giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa”, thị trường tự điều tiết được cung - cầu. Đặc biệt, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán... Tuy nhiên, đã đến lúc thay đổi bởi nghị định đã lỗi thời và không một nghị định nào tồn tại 11 năm mà không được thay đổi”, ông Khánh nói.
Theo Ngọc Mai - Việt Linh (Tiền Phong)