Giá vàng thời gian gần đây đã tăng rất nhanh, vừa vượt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng. So với giá vàng đầu năm 2020 khoảng 42-43 triệu/lượng, giá đã sắp tăng gấp đôi. Nhiều người không khỏi cảm thấy nuối tiếc vì đã không mua vàng sớm hơn.
Đây cũng là thời điểm mà nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu mua vàng để tích lũy có phải là phương án phù hợp cho phần lớn mọi người. Cùng xem những người đã mua vàng tích lũy theo từng tháng để hiểu hơn về quan điểm của họ.
Mua vàng tích lũy hàng tháng hơn 15 năm
Thanh Thuý (38 tuổi, kinh doanh, TP Hồ Chí Minh) bắt đầu mua vàng tích lũy vào năm 2007. Thời điểm đó, cô mua nửa chỉ cho đến 1 chỉ mỗi tháng tùy thuộc vào thu nhập. Thói quen này được duy trì cho đến bây giờ, hàng tháng ít nhất cô mua 1 chỉ vàng, nếu thu nhập “xông xênh” sẽ mua vài cây.
Cô lựa chọn tiết kiệm bằng vàng để kiểm soát chi tiêu hiệu quả hơn. So với gửi tiết kiệm ngân hàng, bán vàng để quy ra tiền mặt sẽ “cồng kềnh”, mất nhiều công đoạn hơn. Đôi khi còn bị lỗ sẽ tiếc không bán, giúp hạn chế chi tiêu.
“Lúc đầu mua vàng, mình chỉ nghĩ đến phòng trừ lúc con ốm đau sẽ có tiền dự phòng, không phải vay mượn. Nhưng sau khi tích lũy được nhiều hơn, mình đặt mục tiêu cho các lần tích lũy như để mua xe máy tay ga, mua ô tô, mua nhà”. Cụ thể, gần đây cô đã bán vàng trả đứt tiền cọc mua nhà giá trị 2,4 tỷ đồng.
Nguyên tắc khi mua vàng của cô khá đặc biệt. Một khi đã tích lũy, Thanh Thúy không theo dõi giá vàng hàng ngày, cô mua vàng ngay khi nhận được một khoản thu nhập. “Mình mua vàng tích lũy nên không để ý giá lên xuống. Tuy nhiên, bởi vì mua thường xuyên, giá trung bình khá tốt, hàng năm ước tính lời khoảng 10-15%/năm, cao hơn lãi suất ngân hàng”.
Tích lũy vàng từ năm ngoái nhưng cảm thấy không lời nhiều
Minh Hoa (27 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) bắt đầu mua vàng đều đặn để tích lũy cách đây hơn 1 năm, vì thu nhập thời gian này tốt hơn. Cô mua khoảng nửa chỉ - 1 chỉ hàng tháng. “Giống quan điểm của ông bà và bố mẹ, mình mua vàng để về lâu dài cảm thấy yên tâm hơn. Lúc có việc cần, quy đổi ra cũng được giá khá tốt. Hơn thế nữa chúng còn giữ giá qua thời gian, được cho là công cụ chống lạm phát hiệu quả”.
Cô tích lũy vàng cho những mục đích cá nhân dài hạn từ 5 năm trở lên. Minh Hoa có nguyên tắc là nếu phát sinh những khoản chi bất ngờ trong tháng như cưới hỏi, ốm đau, cô sẽ cố gắng xoay, cân đối chi tiêu chứ không dùng đến vàng. Không bán vàng cho mục tiêu ngắn hạn.
Mua vàng bắt đầu từ năm ngoái khá rủi ro, khi giá đã cao hơn khá nhiều so với thời điểm trước Covid. Giá vàng đầu năm 2020 khoảng 42-43 triệu đồng/lượng, trong khi đó năm ngoái có thời điểm nó vượt mốc 70 triệu/lượng. Tuy nhiên, Minh Hoa không quá lo lắng, trong dài hạn giá vàng sẽ tăng tiếp.
“Năm ngoái mình mới bắt đầu tích lũy theo tháng nhưng đã mua vàng từ khi còn là sinh viên năm nhất. Thi thoảng đi làm thêm có tiền, mình sẽ mua 1-2 chỉ. Và mình thấy giá vàng tăng đều trong dài hạn. Còn đương nhiên nếu mua ngắn hạn theo vài tháng chắc chắn sẽ có lúc thua lỗ”.
Bên cạnh đó, vì mới bắt đầu mua vàng để dành từ năm ngoái, cô thấy vàng tăng kèm lạm phát. Chẳng hạn, giá nhà dạo gần đây cũng tăng. Năm ngoái cô mua nhà khoảng 25 cây vàng, năm nay cũng vậy. Thế nên dù vàng có tăng cũng không lời quá nhiều, Minh Hoa không có ý định bán.
Có nên mua vàng để tiết kiệm?
Minh Hoa thường mua nhẫn tròn trơn đóng vỉ, vàng 9999 để tích lũy. Loại vàng này bán lại giữ giá, không hao hụt đặc biệt trong phần tiền công chế tác. Còn Thanh Thúy, trước đó cô mua vàng miếng, nhưng 2 năm gần đây cô đã chuyển qua mua vàng nhẫn. Bởi vì vàng nhẫn sát giá vàng thế giới, ít biến động hơn vàng trong nước. Hiện tại, cô thường xuyên mua trên ứng dụng của một thương hiệu chuyên về vàng, an toàn và không phải trữ trong nhà. Nếu không lấy vàng về, bạn hoàn toàn có thể bán trên ứng dụng.
Trong thời điểm giá vàng tăng nhanh như bây giờ, dù đã bán vàng trước đó Thanh Thúy cũng không cảm thấy tiếc nuối. Bởi vì mục đích của việc mua vàng là tiết kiệm thực hiện các mục tiêu cuộc đời.
“Có những thời điểm mình vẫn đầu tư vàng và BĐS nhưng ở dạng lướt sóng. Nguyên tắc đầu tư của mình là chỉ cần chốt lãi như mong muốn chứ không phải chốt mức cao nhất”. Trong thời điểm này, Thanh Thúy vẫn cho rằng nên mua vàng nhưng với điều kiện không phải đi vay.
Cũng giống như Thanh Thúy, Minh Hoa vẫn mua theo vàng theo kế hoạch. Đồng thời, cô cố gắng tăng thu nhập, giảm chi tiêu để đảm bảo tốc độ tích lũy của bản thân. Cô hiện tại có một số lượng vàng không nhiều, dù giá tăng nhanh cũng chênh không đáng kể.
Theo Tô Diệp (Phụ Nữ Mới)